Giải pháp cho xuất khẩu thủy sản Cà Mau
Ấn tượng nhưng chưa hết lo
Năm 1997, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau khoảng 105 triệu USD; năm 2010 là 845 triệu USD. Nhưng đến năm 2013, con số đó đã là 1,05 tỷ USD, một kỷ lục mới của tỉnh và tiếp tục dẫn đầu cả nước. Như vậy, sau 23 năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đã tăng 10 lần. Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu hàng thô, đến nay các doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh Cà Mau đã chế biến và xuất khẩu trên 40% hàng giá trị gia tăng. Cùng đó, thị trường liên tục được mở rộng, đến nay, thủy sản của tỉnh đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 470 triệu USD, tăng 33% về lượng và khoảng 60% về giá trị so cùng kỳ năm 2013.
Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP), toàn tỉnh Cà Mau hiện có 32 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã khắc phục được tình trạng thiếu nguyên liệu.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cà Mau – Ảnh: Huỳnh Lâm
Nguyên nhân, do vừa qua tôm trúng mùa, nguồn cung dồi dào, các nhà máy đã chủ động liên kết thu mua với nông dân nên sức ép nguyên liệu đã được giải tỏa. Hơn nữa, tôm nguyên liệu không còn bị thương lái vơ vét hay chở sang địa phương khác khiến tình hình được cải thiện rõ rệt. Ông Thuận cho biết thêm, nếu như năm 2013 tôm nguyên liệu tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 50% nhu cầu chế biến của các nhà máy thì từ đầu năm đến nay, con số này đạt 90 – 100%. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì các doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí khi không cần phải nhập khẩu nguyên liệu.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thuận, trong số 34 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh thì chỉ có 40% hoạt động hiệu quả, 30% đóng cửa chờ “khai tử”, còn lại hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả do khó khăn về vốn. Điều này càng nghiêm trọng hơn, bởi thời điểm hiện nay, người nuôi tôm chỉ bán khi giao kèo trả ngay tiền mặt, nên mặc dù tôm nguyên liệu dồi dào nhưng doanh nghiệp thiếu vốn vẫn bế tắc trong thu mua.
Nhiều giải pháp gỡ khó
Ông Thuận chia sẻ thêm, doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn được phân thành 3 nhóm (nhóm mạnh, nhóm có thể cứu và nhóm không thể cứu). Đây là bài toán để các cấp, ngành gấp rút có giải pháp tháo gỡ.
Vừa qua, thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm “cứu” doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý nhất là chương trình “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” được triển khai khá hiệu quả tại tỉnh này. Từ chương trình này, ở Cà Mau đã phần nào thoát cảnh ngân hàng thì thừa vốn mà doanh nghiệp lại “đói” vốn.
Ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau cho biết, không chỉ giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại còn cơ cấu lại nợ, xem xét cho vay mới đối với các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Cùng với sự trợ lực từ Nhà nước, ngân hàng, nhiều doanh nghiệp còn tự “làm mới mình” để vượt qua khó khăn, đặc biệt những doanh nghiệp trước đây được xếp hạng “yếu”. Trong đó, phải kể đến là Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cadovimex. Ông Dương Ngọc Thới, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, thời gian qua, Cadovimex mạnh dạn tái cơ cấu lại sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, đổi mới trang thiết bị…; Đồng thời, điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp như chọn sản xuất nhanh, xuất khẩu nhanh, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, không tồn kho, chú trọng hiệu quả… nên đến nay doanh nghiệp đã lấy lại niềm tin với ngân hàng vì khách hàng.
Nhờ những giải pháp tổng lực, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đang được hy vọng sẽ tiếp tục ghi dấu ấn đậm trong năm 2014.
>> Năm 2014, Cà Mau đặt mục tiêu 1,12 tỷ USD. Đây được tiên đoán là con số có thể đạt được, bởi các yếu tố thuận lợi đã xuất hiện ngay từ đầu năm. Cùng đó, các doanh nghiệp cũng gặp thuận lợi, khi các vấn đề khó nhất là nguyên liệu và vốn đang từng bước được tháo gỡ. |
Bình luận gần đây