Giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU
Toàn cảnh Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với hải sản Việt Nam
Đây là những nội dung chính được thảo luận và trao đổi tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với hải sản Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 23/4 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện UBND, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển, VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, Việt Nam đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản, gia nhập Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng và Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc; xây dựng kế hoạch và lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên; sửa đổi quy trình kiểm soát tàu cá ra vào cảng; điều chỉnh quy định về kiểm soát tàu nhập cảng vào Việt Nam; thực thi pháp luật kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác IUU; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; công tác truyền thông, tuyên truyền về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, còn một số tồn tại, hạn chế. Sự chỉ đạo của các cấp, các ngành tại địa phương chưa thực sự quyết liệt, xử lý vi phạm chưa nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả; tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế; công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn nhiều sai sót…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nhìn chung môi trường pháp lý đã thuận lợi cho việc triển khai ngành thủy sản theo hướng hội nhập quốc tế, Bộ đã cùng với các đơn vị thông tin tuyên truyền tích cực về việc thực thi Luật Thủy sản tại các địa phương. Bốn nhóm khuyến nghị của EU, về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài so với năm 2018 giảm rất nhiều nhưng vẫn còn, sự phối hợp của Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Hải quan, Bộ đội Biên phòng chưa chặt chẽ; hệ thống giám sát tàu cá phải hoàn thiện trên tinh thần nguồn kinh phí của Bộ Tài chính để lắp đặt hệ thống thông tin chặt chẽ. Giám sát hành trình cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và không chỉ riêng của Bộ NN&PTNT; xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác phụ thuộc vào hạ tầng tại cảng cá, phân loại và tránh thất thoát sau thu hoạch. Chính phủ, Thủ tướng các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt, nhưng tại các địa phương còn chưa quan tâm nhiều, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra những việc làm được cũng như những hạn chế cần khắc phục đồng thời đề nghị một số giải pháp cấp bách hiện nay. Đó là đề nghị các tỉnh, bộ, ngành triển khai quyết liệt Công điện 732 và Chỉ thị 45 của Chính phủ cũng như các văn bản khác của Chính phủ, Bộ NN&PTNT để thấy được trách nhiệm của các đơn vị. Cơ quan chuyên ngành (Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh) chịu trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện. Gấp rút ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Tuyên truyền xây dựng kịch bản triển khai Luật Thủy sản. Lên kế hoạch chi tiết về nội ung kiểm tra của EU trong thời gian tới. Tăng cường kiểm tra tại các địa phương để đôn đốc, đồng hành, chia sẻ và phối hợp thực hiện tốt hơn những khuyến nghị của EU. Mục tiêu hướng tới nghề cá hiện đại, trách nhiệm, quản lý đại dương để bảo vệ nguồn lợi cho thế hệ mai sau.
Bình luận gần đây