Giải bài toán xuất khẩu tôm sú

Khả quan

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2016, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,58 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị xuất khẩu tôm sú giảm 4,8% và tôm thẻ chân trắng tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Mặc dù tôm sú lận đận, thế nhưng theo đánh giá của người trong cuộc, đây mới chính là đối tượng có tính cạnh tranh tốt, khả năng gia tăng xuất khẩu còn lớn.Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết, hiện các nước xuất khẩu tôm trên thế giới sản xuất tôm sú với tỷ lệ rất thấp, chẳng hạn Ấn Độ có 80% nuôi thẻ chân trắng, chỉ 20% tôm sú; Thái Lan 97% nuôi thẻ chân trắng và 3% tôm sú; Indonesia có 80% tôm thẻ chân trắng và 20% nuôi tôm sú.Trong khi, nhu cầu về tôm sú trên thế giới, tính riêng những người chỉ ăn tôm sú dù giá có biến động (tăng) cỡ nào, chiếm khoảng 15 – 20% thị phần của toàn ngành. “Như năm nay, do nguồn cung tôm sú thiếu, giá tôm sú từ cuối tháng 6/2016 đến nay tăng 40%, 1 kg tôm sú có giá cao hơn tôm thẻ chân trắng 5 USD, nhưng người ta vẫn ăn”, ông Quang dẫn chứng.

Với xu hướng khả quan như vậy, nếu giải quyết tốt vấn đề giống tôm sú, tức khả năng phát triển sản xuất tốt hơn so với hiện nay, khi đó chỉ cần giá tôm sú cao hơn tôm thẻ chân trắng 1 USD/kg, thì hiệu quả của tôm sú sẽ vượt trội hơn hẳn và thị phần tôm sú sẽ tăng lên 40 – 50% thậm chí hơn, ông Quang khẳng định.

 Chế biến tôm tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Chế biến tôm tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – Ảnh: Nguyệt Nga

Khó kiểm soát chất lượng

Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thừa nhận, với khoảng 100 tỷ con tôm giống được sản xuất ra mỗi năm, ngành tôm giống hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nuôi trong nước. Nhưng thực tế xét về chất lượng thì thật sự không ổn, thậm chí phải nói là chất lượng rất kém.

Trong khi đó, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản, cho biết trên thị trường có quá nhiều chủng loại thức ăn, thuốc thú y cũng như kháng sinh, chẳng những khiến việc kiểm soát chất lượng khó khăn, mà tôm thành phẩm sản xuất ra cũng thường xuyên có vấn đề. Theo thống kê, hiện có đến 2.800 loại thức ăn hỗn hợp; 3.800 sản phẩm thức ăn bổ sung và 2.800 chất xử lý môi trường. Nuôi tôm bằng con giống kém chất lượng rất dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh, từ đó dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh để tránh bị thiệt hại.

Mặt khác, tại các thị trường hàng đầu về nhập khẩu sản phẩm tôm của Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nghĩa là sản phẩm tôm phải hoàn toàn không có kháng sinh mới được xuất hiện tại các hệ thống phân phối. Chính vì vậy, từ khâu sản xuất để tạo ra sản phẩm xuất khẩu, Việt Nam phải thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi bằng cách nào khi chất lượng con giống chưa được giải quyết cũng như việc có quá nhiều các chế phẩm hóa chất kháng sinh như hiện nay, đó thực sự là một vấn đề khó tìm câu trả lời thỏa đáng.

Ông Huỳnh Quốc Tịnh, Điều phối chương trình Nuôi trồng thủy sản và thực phẩm của Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) cho rằng, cần phải có cơ chế minh bạch trong kiểm tra kháng sinh, chẳng hạn, tiền ngân sách cho kiểm tra vi sinh, kháng sinh phải được công khai. Cần phải có những nghiên cứu nuôi tôm bằng con giống chất lượng, được chứng nhận, và tỷ lệ thành công như thế nào so với tôm không có chứng nhận, vì đây là yếu tố quyết định để loại bỏ cơ sở sản xuất giống kém chất lượng.

 
>> Vấn đề cần giải quyết trước khi nghĩ tới tận dụng những cơ hội gia tăng trong xuất khẩu thời gian tới là phải quản lý và tạo được con giống chất lượng cũng như kiểm soát được các loại hóa chất kháng sinh như hiện nay. Nếu không, thì cơ hội dù có, nhưng chưa chắc đã nắm bắt được.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *