Giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm “kỷ lục”
Trong nửa đầu năm 2013, XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang EU, Nga và Mỹ liên tục giảm đến hai con số trong 6 tháng. Cụ thể, EU giảm từ 28 – 59,3%, trong đó 3 thị trường lớn nhất trong khối là Italia, Bỉ và Đức cũng giảm từ 35 – 60%; Nga giảm từ 22,7 – 67%; Mỹ giảm từ 30,5 – 80% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này dẫn đến giá trị XK mực, bạch tuộc Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sang EU, Nga và Mỹ giảm lần lượt là 39,4%; 22,7% và 63,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm “chạm đáy” trong 15 năm qua.
Đối với hai thị trường chiếm 59% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có đến 5 tháng liên tiếp giảm từ 10 – 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây.
Giá XK có chiều hướng đi xuống là nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản giảm mạnh. Theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản trong 2 quý đầu năm giảm mặc dù khối lượng mực, bạch tuộc nhập khẩu của nước này tăng mạnh hơn 30%.
Phần khác là do Nhật Bản chuyển hướng nhập khẩu mực, bạch tuộc từ các nước ASEAN khác sang các nước có giá tốt và nguồn cung ổn định từ Mauritania, Senegal, Morocco với mức giảm 1-2% giá trị nhập khẩu.
Tại Hàn Quốc, quốc gia này vẫn tiếp tục tăng khối lượng nhập khẩu nhưng vẫn duy trì giá trị NK bạch tuộc bằng cách giảm NK từ các nước ASEAN, tăng NK sản phẩm giá thấp hơn từ Trung Quốc, Senegal, Nam Phi với giá trị tăng từ 27 – 130% so với cùng kỳ năm trước.
Do giá XK thấp, cộng với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng nên hiện nhiều nhà máy chế biến mực, bạch tuộc ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang,… phải giảm công suất chế biến hay chỉ hoạt động cầm chừng. Dự báo XK mực, bạch tuộc trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ nhưng khó có thể phục hồi trong bối cảnh giao dịch tại nhiều nước gần như đóng băng.
Bình luận gần đây