Gia tăng giá trị cho cá ngừ Việt Nam
Khai thác lợi thế
Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VinaTuna), cả nước hiện có 35.000 ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng đánh bắt mỗi năm đạt khoảng 17.000 tấn; trong đó, tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương hàng năm tại tỉnh Bình Định đạt hơn 12.000 tấn/năm; chiếm hơn 50% sản lượng cá ngừ khai thác của cả nước.
Bên lề Hội nghị thường niên Ủy ban Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương lần thứ 19 (Hội nghị WCPFC 19) diễn ra tại TP Đà Nẵng (từ 27/11 – 3/12), ông Trần Văn Hào, đại diện VinaTuna cho hay, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế. Hiện doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang tập trung vào hai mảng chính là cá ngừ đông lạnh và cá ngừ đồ hộp, Hiệp hội cũng đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp để tận dụng, khai thác hết tiềm năng, lợi thế các Hiệp định EVFTA, CPTPP mang lại cũng như các hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia khác. Đối với việc gỡ “thẻ vàng” của EC, Hiệp hội phối hợp rất chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các bên liên quan để triển khai một loạt các giải pháp khắc phục, hiện nay 100% tàu cá đánh bắt xa bờ của ngành cá ngừ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Đồng thời, thực hiện chiến lược số hóa thông tin trong nghề cá, thiết kế nhật ký khai thác điện tử và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để áp dụng cho tàu cá cũng như các doanh nghiệp làm cơ sở truy xuất nguồn gốc.
Biểu đồ TSVN; số liệu VASEP
Về công nghệ, hiện nay ngành khai thác, chế biến cá ngừ đang có nhiều kỹ thuật để hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công nghệ đánh bắt và xử lý cá của Nhật Bản (đã được áp dụng đại trà ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), công nghệ bảo quản sau thu hoạch theo công nghệ nano và công nghệ đá sệt để bảo quản cá. Ngoài ra, áp dụng các máy móc công nghệ hiện đại để xử lý cá một cách nhanh nhất, giữ được chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ này có thể còn chưa nhiều.
Hội hữu nghị Nhật – Việt tại Sakai (Nhật Bản) cũng đã và đang hỗ trợ ngư dân Bình Định chuyển đổi cách đánh bắt cá ngừ từ câu truyền thống sang câu tay, góp phần nâng cao chất lượng cá ngừ. Tiếp tục quy trình này, ngành ngư nghiệp địa phương cũng đã hỗ trợ ngư dân sử dụng hầm bảo quản cá ngừ đại dương ứng dụng công nghệ nano gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định chia sẻ, ứng dụng công nghệ nano nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản là hướng đi lâu dài cho thương hiệu cá ngừ Bình Định. Với cách làm này, thịt cá ngừ đại dương sẽ tươi ngon, chất lượng hơn so với hầm bảo quản bằng đá truyền thống, góp phần nâng cao giá trị cá ngừ đại dương Bình Định trên thị trường.
Nhận diện thách thức
VASEP nhận định, hiện những tín hiệu thị trường không còn được tích cực như nửa đầu năm. Lạm phát gia tăng đang làm giảm sức mua tại các thị trường, nhất là tại các thị trường Mỹ, Bỉ, Israel, Ai Cập, thậm chí ở cả các thị trường vốn có lợi thế về thuế quan CPTPP hoặc lợi thế về địa lý. Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ giảm gần 6% trong tháng 10, xuống còn gần 31 triệu USD. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ giảm liên tục qua từng tháng cho đến nay. Ngoài thị trường Mỹ, xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Mexico, Philippines, Chilê, Ai Cập… cũng đi xuống so cùng kỳ năm 2021. Như với thị trường Ai Cập, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang đây trong tháng 10/2022 chỉ đạt 569.000 USD, giảm 41% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm nên xuất khẩu cá ngừ lũy kế 10 tháng vẫn tăng 17% khi đạt gần 13,5 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 10 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay, đạt gần 19 triệu USD, tăng 22% so tháng 10/2021. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp, xuất khẩu cá ngừ sang EU đi lên. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang Tây Ban Nha tăng 33%, Đức nhích lên 10% trong khi thị trường Bỉ lại giảm 13%.
Khai thác bền vững
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, là thành viên có hợp tác với Tổ chức Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương (WCPFC), Việt Nam đã nỗ lực tham gia chia sẻ, học tập kinh nghiệm cũng như nhận được sự hợp tác của các quốc gia thành viên WCPFC về kỹ thuật điều tra đánh giá nguồn lợi, kỹ thuật quản lý hạn ngạch cá ngừ và các loại cá khác cho phù hợp. Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc bảo vệ, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ; có trách nhiệm bảo vệ đại dương và mong muốn các nước thành viên tiến tới ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WCPFC. “Việc trở thành thành viên chính thức là cơ hội tốt cho ngành thủy sản Việt Nam vươn khơi, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản trong nước và tiến tới tăng cường hợp tác cùng các nước trong khu vực chia sẻ và khai thác nguồn lợi cá ngừ, khẳng định sự hội nhập sâu rộng, đồng hành cùng các nước bảo vệ biển và đại dương” – ông Luân nhận định.
Ông Trần Văn Hào cũng cho biết thêm, VinaTuna cũng liên kết các bên gồm ngư dân, đơn vị thu mua ở các cảng cá ở các địa phương và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để tạo thành một chuỗi giá trị, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cá ngừ Việt Nam.
>> Cá ngừ là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại kim ngạch khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng cá ngừ vẫn là mục tiêu đầu tiên. Cùng đó, để kích cầu tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá ngừ đại dương, hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết như chủng loại sản phẩm phải đa dạng, chất lượng phải đảm bảo, giá cả phải hợp lý.
Hoài Phương
Bình luận gần đây