Giá cá tra cao ‘chót vót’ ngay đầu năm

Năm 2018 vừa qua là năm thắng lợi cho ngành xuất khẩu cá tra

Dẫn chúng tôi ra xem ao cá vừa bán xong cách đây 1 tháng, nay lại xuống giống thả tiếp, ông Bùi Văn Sự, ở thị trấn Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành, Đồng Tháp, có gần 1ha ao nuôi cá tra), hớn hở nói: Chỉ riêng năm 2018, gia đình tôi tiêu thụ hơn 400 tấn cá tra, có lúc giá cá tăng cao tới 35.000 đồng/kg không có để bán, tiếc hùi hụi. Theo ông với giá bán này gia đình lãi hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Nửa tháng đầu năm 2019, cả tỉnh đã thu hoạch được hơn 5.000 tấn cá tra thương phẩm. Toàn tỉnh hiện thả nuôi hơn 1.079ha cá tra; trong đó nuôi xuất khẩu 1.000ha còn lại hơn 70ha nuôi để tiêu thụ nội địa. Hiện nay, giá cá tra thương phẩm loại trọng lượng bình quân 0,7 – 1,2 kg/con giá bán tại ao trên 30.000 đồng/kg. Còn cá tra giống loại 100 con/kg có giá từ 94.000 – 95.000 đồng/kg. Ngay từ đầu năm 2019, giá cá tra ở mức cao, người nuôi rất phấn khởi. Tình hình nuôi cá tra thương phẩm ở Đồng Tháp thuận lợi, chi phí đầu vào ổn định, người nuôi lãi từ 6.000 – 13.000 đồng/kg.

Vượt sông Tiền đến sông Hậu hiền hòa, rảo quanh cồn Tân Lộc, thuộc quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) chứng kiến nghề nuôi cá tra sống lại mạnh mẽ. Người dân quay lại thuê đất, mở ao nuôi cá tra rầm rộ. Thậm chí có những hộ đang nuôi cá trê hay cá rô phi đều bắt bán sớm chuyển sang nuôi cá tra thương phẩm. Ông Trần Văn Thơm, ở cồn Tân Lộc cho biết: Năm 2018 vừa rồi gia đình nuôi được hơn 500 tấn cá tra thương phẩm, thu lời bình quân khoảng 9.000 – 11.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua. Hiện nay, gia đình đang tập trung chăm sóc khoảng 200 tấn cá tra và dự kiến sẽ bán trước Tết Kỷ Hợi 2019, nắm phần lời gần tỷ đồng.

Không những nông dân, HTX nuôi cá tra thắng lợi mà nhiều DN nuôi cá tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu cũng thắng rất đậm. Điển hình như Cty Hùng Cá, Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), Cty Cổ phần Nam Việt (Navico) (An Giang)… Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Nam Việt cho hay: Thị trường xuất khẩu qua các nước bắt đầu mở rộng, giá tốt đã giúp Nam Việt xuất khẩu các sản phẩm cá tra trong năm 2018 ước khoảng 145 – 150 triệu USD. Đầu năm 2019, Nam Việt quyết định đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng xây dựng vùng nuôi cá tra công nghệ cao rộng hơn 600ha ở huyện Châu Phú (An Giang), đã đi vào hoạt động, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu cá tra quanh năm. 

An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ… là những tỉnh nuôi cá tra nhiều nhất vùng ĐBSCL năm qua hầu hết người nuôi cá tra đều đạt hiệu quả cao, trả được nợ ngân hàng cho những năm trước thua lỗ. 

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: Cách đây 2 năm có lúc diện tích nuôi cá tra ở An Giang chỉ còn khoảng 600 – 700ha, khi cá tra tăng giá trở lại diện tích thả nuôi cá tra của An Giang năm 2018 tăng lên 1.500ha, và đà tăng diện tích chưa dừng. Năm qua sản lượng cá tra toàn tỉnh ước đạt 446.000 tấn. Đặc biệt trong đó, diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 410ha, nuôi theo tiêu chuẩn ASC 101,66ha, tiêu chuẩn GlobalGAP 21,91ha, tiêu chuẩn VietGAP đạt 285,13ha…

Nuôi và thu hoạch cá tra ở ĐBSCL

Hiện tại tình hình XK cá tra của An Giang rất thuận lợi, các DN chế biến thủy sản trong tỉnh đối với sản phẩm cá tra đã xuất qua 80 nước, trong đó 31 nước châu Á, 16 nước châu Mỹ, 20 nước châu Âu, 8 nước châu Phi và 4 nước châu Đại Dương, trong đó, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường có sản lượng chiếm tỷ trọng cao nhất. Nuôi cá tra cũng tăng theo cả về sản lượng và diện tích.

Ông Tuấn cho biết thêm, với những tín hiệu thị trường cá tra lạc quan như vậy giúp người nuôi cá tra tự tin bắt tay sản xuất. Tuy nhiên An Giang vẫn định hướng phát triển nuôi cá tra phải theo quy hoạch, chú trọng đến chất lượng sản phẩm cũng như nuôi phải có liên kết để đảm bảo đầu ra ổn định.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *