FTA: Cơ hội hiện đại hóa ngành thủy sản

Kiên trì mở rộng thị trường

Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam vốn xuất phát từ nền kinh tế bao cấp và chỉ chuyển sang nền kinh tế thị trường từ sau đổi mới; có thể nói, khát khao đổi mới và vươn ra thế giới là giấc mơ của nhiều thế hệ.

Ông Nguyễn Hồng Cẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam, Giám đốc Công ty XNK Thủy sản Seaprodex trong thập niên 1980 từng chia sẻ: “Sau năm 1975, ngành thủy sản bị cấm vận, thuyền nằm đầy bờ, cấp dầu để đánh cá thì các hợp tác xã bán mua gạo vì đánh cá về không biết bán cho ai. ĐBSCL chở tôm, cá lên TP Hồ Chí Minh bán không ai mua. Chính trong lúc đó, ngành thủy sản đã mạnh dạn tìm đường xuất khẩu và là ngành đầu tiên của Việt Nam đem về nhiều triệu ngoại tệ để giúp phát triển đất nước. Bài học của chúng ta đó là muốn phát triển đất nước, cần phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế thế giới”.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tạo ra sản phẩm GTGT, nâng cao sức cạnh tranh – Ảnh: Vũ Sinh

Suốt nhiều năm qua, ngành thủy sản vẫn kiên định lập trường phát triển kinh tế hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp thu ngoại tệ cho đất nước, đóng góp nhiều sản phẩm tốt cho khách hàng trên thế giới, xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Theo VASEP, nhờ việc gia nhập WTO, cùng với việc tham gia 16 hiệp định FTA với các nước (chiếm tỷ trọng lớn 73% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam), mà uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam được nâng cao hơn và sản phẩm được xuất khẩu đi hơn 170 thị trường với các mặt hàng chủ lực như tôm (3,5 – 4 tỷ USD/năm), cá tra (1,8 – 2,2 tỷ USD/năm), cá ngừ, mực bạch tuộc 1 – 1,2 tỷ USD/năm cùng với 1,2 – 1,5 tỷ USD các loại cá biển khác…Năm 2019, Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập với thế giới; điều này, theo đánh giá của VASEP, thủy sản Việt Nam “sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA như Ấn Độ, Thái Lan”. Đặc biệt, theo một cam kết chưa từng có tiền lệ là với việc mở cửa thị trường mua sắm công, lần đầu tiên các doanh nghiệp thủy sản Việt có thể tiếp cận được thị trường mua sắm công cực kỳ tiềm năng của các nước EU và 10 nước CPTPP. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự kiến tăng khoảng 20% vào năm 2020 sau khi EVFTA thực thi.

 

Phát huy nội lực

Trong khi một số quốc gia khác chưa mặn mà thậm chí “né tránh” các hiệp định thương mại tự do với mục đích “bế quan tỏa cảng” bảo vệ ngành nuôi trồng trong nước với các hàng rào thuế quan nhập khẩu khắt khe thì việc Việt Nam tham gia đồng loạt nhiều hiệp định thương mại tự do trong năm 2019 đặt ra câu hỏi: ngành thủy sản Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức nào khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại một cuộc hội thảo tại TP Hồ Chí Minh, để được hưởng những ưu đãi về thuế suất thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nói cách khác, khi thực hiện hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ cần nỗ lực nhiều hơn trong việc phát huy nội lực, phát triển lĩnh vực nuôi trồng chế biến trong nước, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác.

 

Tiếp tục hiện đại hóa

CPTPP và EVFTA được đánh giá không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà còn giúp ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, chất lượng để phát triển bền vững. Sự cố sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam bị “thẻ vàng” tại thị trường châu Âu cũng cho thấy Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ hơn thị trường này, trong đó có cả vấn đề quản trị, đánh bắt, xuất xứ sản phẩm…; để những sự việc đáng tiếc tương tự không xảy ra trong tương lai.

Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam tích lũy nguồn lực trong nước và quốc tế, hiện đại hóa rất nhanh ngành nuôi trồng, xuất khẩu. Điển hình là các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Minh Phú, Việt – Úc… đều đầu tư mạnh vào vùng nuôi, con giống, nuôi trồng khép kín, truy xuất nguồn gốc. Họ đang là tấm gương cho các doanh nghiệp khác noi theo. Minh Phú đang sở hữu vùng nuôi rộng lớn với hơn 900 ha tự nuôi tôm, cùng hơn 12.000 ha nuôi tôm sinh thái liên kết và hơn 100.000 ha của các hộ nuôi tôm trong chuỗi cung ứng, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, quy trình nuôi được các chuyên gia của Minh Phú hướng dẫn. Còn Tập đoàn Việt – Úc tham gia đồng thời 3 công đoạn cung ứng tôm bố mẹ – tôm giống, cá tra giống, nuôi tôm thương phẩm…

>> Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, CPTPP và EVFTA được coi là những cánh cửa mở giúp hàng hóa Việt Nam vào những thị trường tốt hơn, ngược lại người tiêu dùng Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc có được những sản phẩm nông sản chất lượng cao.

Trần Nguyễn Anh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *