FAO “gặp khó” khi dự đoán nhu cầu thủy sản có vỏ trong mùa Lễ hội

Diễn biến chung

Sự biến động của nền kinh tế và những thay đổi về nguồn cung đã khiến các chuyên gia “gặp khó” khi đưa ra dự đoán về nhu cầu các sản phẩm thủy sản đắt đỏ, đặc biệt là những mặt hàng được ưa chuộng trong mùa lễ hội.

Nhu cầu thủy sản có vỏ trong mùa Giáng sinh có thể giảm. Ảnh: Wright Bros

Trong một báo cáo mới đây, FAO viết: “Lạm phát kinh tế tiếp tục ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng, và giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết người tiêu dùng trên thế giới đều đang thắt lưng buộc bụng, do đó nhu cầu các sản phẩm hàu và động vật thân mềm hai mảnh vỏ khác sẽ giảm”.

Hàu, món ăn đặc trưng và truyền thống của mùa Giáng sinh, có thể bị người tiêu dùng “phớt lờ” trong năm nay vì giá cao. Tuy nhiên, nhu cầu sản phẩm này đã phục hồi trong một vài tháng hè, đặc biệt ở các nhà hàng phục vụ khách du lịch ở Bắc Âu.

Trai

Pháp, nhà sản xuất trai lớn thứ hai ở châu Âu (sau Tây Ban Nha), đã chứng kiến một năm đầy biến động về giá đối với sản phẩm này. Trong khi tại Hà Lan, giá trai tương đối ổn định ở mức cao.

Ở Italy, giá bán lẻ trai tăng lên 4,00 euro/kg vào tháng 10/2023, trong khi giá trung bình trước đó chỉ vào khoảng 1,5 euro/kg. Nguyên nhân được cho là những vấn đề trên biển Adriatic đã tác động đến việc sản xuất trai. 

Tính chung năm 2023, hoạt động thương mại quốc tế của sản phẩm này có dấu hiệu phục hồi sau một năm ảm đạm, với khối lượng đạt 175.000 tấn trong 6 tháng đầu năm.

Hàu

Thương mại hàu toàn cầu tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2023. Theo dữ liệu của FAO, Hàn Quốc “vượt mặt” Pháp trở thành quốc gia xuất khẩu hàu lớn nhất thế giới. Khối lượng nhập khẩu hàu trên toàn cầu cũng tăng 900 tấn so với năm 2022, đạt 36.000 tấn.

Trong khi nhập khẩu hàu vào Mỹ có phần giảm so với năm trước, thì tiêu thụ hàu tại Nhật Bản tăng 20%, đạt 4.100 tấn. Nhập khẩu hàu của Italia vẫn tương đối ổn định, không thay đổi so với năm 2022. 

Hàu là món ăn truyền thống trong mùa Giáng sinh ở châu Âu. Ảnh: thewashingtonpost

Sò điệp

Theo FAO, mặc dù công tác quản lý trong năm 2023 đã giúp sinh khối sò điệp tại Mỹ cải thiện so với năm 2022, nhưng nhìn chung sản lượng vẫn ở mức thấp. Tổng khối lượng sò điệp khai thác ở New England trong năm nay ước đạt 10.000 tấn, giảm 19% so với năm trước. Từ tháng 4/2021 – 3/2022, tổng cộng 17.300 tấn sò điệp được khai thác, chủ yếu ở Massachusetts.

Thương mại sò điệp toàn cầu năm 2023 giảm đáng kể. Ảnh: wcspltd

Tính chung nửa đầu năm 2023, thương mại sò điệp toàn cầu giảm xuống khoảng 100.000 tấn, trong đó Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất, chiếm 44% tổng giá trị nhập khẩu trên toàn cầu. Mỹ và Hàn Quốc cũng ghi nhận giảm nhập khẩu.

Pháp là một trong những quốc gia tiêu thụ hàu nhiều nhất thế giới, nhưng cũng báo cáo giảm 30% nhập khẩu. Trong khi nhà xuất khẩu Peru cho hay sự tấn công của El Nino đã khiến xuất khẩu hàu sụt giảm đáng kể.

Nghêu

Sự xuất hiện tràn lan của cua xanh đã khiến sản lượng nghêu ở Italia giảm 50%, giá theo đó cũng tăng từ 14,99 euro/kg lên 19,90 euro/kg (dữ liệu ghi nhận trong tháng 9). Báo cáo của FAO nêu rõ: Italy cung cấp khoảng 96% nghêu nuôi tại Manila cho EU; tuy nhiên nguồn cung giảm đã khiến một số quốc gia EU phải nhập khẩu nghêu từ nơi khác. Thậm chí ở Italy chỉ còn duy nhất một khu ương giống nghêu hoạt động.

Trung Quốc là nhà xuất khẩu nghêu lớn nhất thế giới, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nguồn tiêu thụ chính. Theo FAO, trong nửa đầu năm 2023, cả ba quốc gia đều ghi nhận giá trị thương mại giảm. Cụ thể, Trung Quốc giảm 5% khối lượng xuất khẩu, xuống còn 57.000 tấn; Nhật Bản giảm 5% lượng nhập khẩu, chỉ còn 20.000 tấn, và Hàn Quốc nhập khẩu ít hơn 500 tấn so với cùng kỳ năm trước.

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *