EU “không mặn mà” với việc tận dụng ATQ cho fillet cá minh thái
Tổng khối lượng ATQ cho cá minh thái Alaska của EU trong năm 2024 là 340.000 tấn, nhưng tính đến đầu tháng 7 chỉ có 17% đã được sử dụng, giảm mạnh so với mức 85% trong cùng kỳ năm trước, theo báo cáo mới nhất từ AIPCE-CEP.
Vào cuối năm 2023, các nhà nhập khẩu EU đã đẩy mạnh việc tích trữ cá minh thái khi nguồn cung từ Nga và Belarus vẫn được phép nhập khẩu theo quy định của ATQ. Tuy nhiên, sang năm 2024, việc nhập khẩu gặp khó khăn do các vấn đề liên quan đến nguồn cung và sự thay đổi trong chính sách thương mại, khiến cho các nhà nhập khẩu không còn “mặn mà” với việc sử dụng hạn ngạch này.
Trong năm 2023, 93% lượng nhập khẩu cá minh thái Alaska của EU là fillet đông lạnh. AIPCE-CEP cho biết hơn 95% cá minh thái Alaska nhập khẩu từ Trung Quốc có nguồn gốc từ Nga và được chế biến lại tại đây.
EU nhập khẩu 841.000 tấn cá minh thái trong năm 2023, tăng 5% so với năm trước, chủ yếu nhờ vào nguồn cung từ Nga. Cụ thể, EU đã nhập khẩu 41% cá minh thái từ Trung Quốc, 35% từ Nga và 21% từ Mỹ. Tỷ lệ nhập khẩu từ Mỹ đã giảm mạnh từ 39% xuống 21% giữa năm 2021 và 2023, do Mỹ ưu tiên bán cá minh thái Alaska tại thị trường nội địa và ảnh hưởng bởi tình hình chính trị căng thẳng.
Tại Hà Lan, giá nhập khẩu cá minh thái cao hơn so với các khu vực khác. Nhu cầu ở Đức biến động, đạt đỉnh 3.094 tấn vào tháng 3/2024, nhưng giảm xuống còn 956 tấn vào tháng 8. Canada cũng nhập khẩu ít hơn, nhưng giá trung bình vẫn tương đương các thị trường lớn, với 322 tấn nhập khẩu trong tháng 8/2024, giá 2.637 USD/tấn.
Ngành chế biến thủy sản của EU vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô từ Nga. Theo báo cáo của AIPCE, ước tính khoảng 34% tổng nguồn cung cá trắng trong năm 2023 của EU có nguồn gốc từ Nga.
Lan Khuê
Theo Undercurrentnews
Bình luận gần đây