EU có thể rút “thẻ đỏ” với hải sản VN: Luật Thủy sản không đủ đáp ứng?
Doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện tình hình để giữ mức phạt “thẻ vàng” ở Châu Âu, thay vì để bị chuyển sang “thẻ đỏ”.
Vì nếu không quyết tâm thay đổi và thực hiện được những thay đổi có kết quả, phía EU sẽ chuyển từ “thẻ vàng” sang “thẻ đỏ”, khi đó, Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu sang thị trường EU và cả những thị trường cao cấp khác như Nhật Bản.
Cấm nhập cả tàu có lô hàng vi phạm IUU
Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam sáng nay cho biết, cơ quan này vừa nhận được một tin “rất buồn” vào ngày hôm qua từ Tổng cục nghề cá của EU. Rằng, có một tàu cá chở lô hàng vi phạm IUU (quy định chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý) muốn cập cảng Việt Nam. Phía EU đã nhiều lần thông báo cho phía Tổng cục Thủy sản của Việt Nam phải từ chối, ngăn chặn tàu cá này cập cảng.
“Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cho phép lô hàng này cập cảng. Phía EU lo ngại rằng, một khi được cập cảng, các lô hàng vi phạm IUU có thể bị tái chế biến và xuất khẩu sang EU. Phía EU cũng cho rằng, việc đồng loã với các bên vi phạm IUU cũng sẽ bị xem xét là nguyên nhân dẫn tới hậu quả Việt Nam có thể sẽ bị phạt “thẻ đỏ”, vị này cho biết.
Trả lời câu hỏi của ông Ngô Viết Hoài – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa -Vũng Tàu về đối tượng sẽ bị “cấm cửa” nếu Việt Nam bị phạt “thẻ đỏ”, đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng, không chỉ hải sản đánh bắt bởi ngư dân Việt Nam mà tất cả hải sản do doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến có nguồn gốc từ nước ngoài đều bị cấm nhập khẩu vào EU.
Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất – Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, quan trọng là Việt Nam có biết rõ vấn đề của mình hay không và có sẵn sàng hợp tác để vượt qua các vấn đề đó hay không?
Là một nhà nhập khẩu lớn nhập khẩu 40 % sản lượng hải sản tiêu thụ trong khu vực, EU quan tâm đến hai vấn đề chất lượng và tính hợp pháp của sản phẩm đó. Về IUU, thông điệp chủ chốt phía EU đưa ra là Quốc hội Việt Nam đã không tham vấn EU khi bỏ phiếu thông qua Luật thủy sản.
Do đó xảy ra nhiều vấn đề mà phía Việt Nam cho rằng Luật Thuỷ sản đã giải quyết được, đáp ứng được các yêu cầu của IUU nhưng trên thực tế là chưa.
“Tháng 9.2017, phía EU có nhận được Luật Thủy sản 2013 sửa đổi, bổ sung của Việt Nam. Tuy nhiên bộ luật này vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế theo như phía EU mong muốn và đề xuất trước đó. Mà luật mới sửa đổi thì không thể tiếp tục sửa đổi trong một thời gian ngắn”, bà Miriam quan ngại.
Một vấn đề nữa, theo bà Miriam, các vấn đề liên quan đến IUU chỉ được Việt Nam quy định trong các văn bản dưới luật, mức xử phạt cũng không đủ tính răn đe, không thể hiện được tính bền vững, cam kết. Mà văn bản dưới luật thì rất dễ sửa đổi.
“Việt Nam nên tăng mức phạt và đưa các vấn đề IUU vào văn bản luật. Việt Nam cần có các khảo sát về sản lượng trước khi cấp phép đánh bắt. Hãy xem việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không được quản lý là việc của chính bản thân Việt Nam. EU có thể giúp đỡ nhưng không thể làm thay. Cũng không nên né tránh mà phải nhìn thẳng vào vấn đề hợp tác để giải quyết”, bà Miriam đề xuất.
Nếu bị “thẻ đỏ”, các FTA cũng sẽ “đóng băng”
Nếu hải sản bị phạt thẻ đỏ, các FTA khác với EU cũng sẽ bị đình trệ.
Tới thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đều đã được thông tin về yêu cầu chống IUU tại thị trường EU. Theo Cơ quan đại diện Liên minh EU tại Việt Nam, việc một quốc gia bị “thẻ đỏ” không chỉ là một hình thức trừng phạt về mặt thương mại mà cũng sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tiến độ thông qua các hiệp định thương mại tự do với Châu Âu.
Bà Miriam dẫn chứng, tháng 4.2014, Philippines bị phạt thẻ vàng vì các vấn đề liên quan đến IUU, sau đó nước này đã nỗ lực cải thiện tình hình và được phía EU rút thẻ vàng. Đến cuối năm 2014, EU thông qua việc Philippine trở thành một phần của Hệ thống ưu đãi Thuế quan phổ cập mở rộng (GSP+), giúp hơn 4.000 mặt hàng của nước này được miễn thuế nhập khẩu vào EU.
Trong khi đó, cũng là một nước bị EU phạt thẻ vàng vì IUU vào tháng 5.2015, nhưng những nỗ lực của Thái Lan để thay đổi khung pháp lý vẫn chưa đủ để nước này được gỡ bỏ thẻ vàng. Hậu quả là đến nay, các đàm phán về tự do thương mại vẫn “treo lơ lửng”, gần như đóng băng, không có dấu hiệu sẽ tiến triển thêm.
“Việc bị giơ “thẻ vàng” thì chưa kèm theo các biện pháp trừng phạt về thương mại, tuy nhiên, nếu bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị đình trệ cả những FTA đang đàm phán với EU”, bà Miriam cho biết.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu hải sản đánh bắt, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ chuyển việc kiểm tra nguồn gốc hải sản từ Chi cục Thủy sản sang Ban Quản lý các cảng cá. Theo đó, tàu cá muốn vào nhập hàng phải xuất trình lịch trình đánh bắt, nguồn gốc lô hải sản,…
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Bộ NNPTNT sẽ chủ trì một hội nghị toàn quốc về “IUU và hành động 6 tháng”, như một “Hội nghị Diên Hồng” ngành hải sản nhằm đưa ra các biện pháp cải thiện tình hình, giữ nguyên mức phạt là “thẻ vàng” tại EU.
Bình luận gần đây