Ecuador: Tham vọng chiếm lĩnh thị phần tôm thế giới

Mục tiêu 2,5 triệu tấn

Theo dự báo mới đây của Robins McIntosh, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Charoen Pokphand Foods (C.P. Foods), sản lượng tôm của Ecuador ước đạt 2,5 triệu tấn vào năm 2026. Con số này cao gấp gần 2,5 lần so với sản lượng hiện tại và gần bằng lượng tôm mà thế giới nhập khẩu mỗi năm. Sau khi sản lượng vượt mốc 1 triệu vào năm 2021, ngành tôm Ecuador thừa thắng tiến lên và nhắm mốc sản lượng 2,5 triệu tấn trong vòng vài năm tới.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tôm của toàn cầu khoảng 2,85 triệu tấn, dẫn đầu là Trung Quốc và Mỹ với các mức lần lượt 1 triệu tấn và 900.000 tấn. Có thể thấy rõ  Ecuador đang đặt tham vọng chiếm lĩnh gần hết thị phần tôm thế giới. Trong nửa đầu năm nay, lượng tôm xuất khẩu của quốc gia này đã vượt 500.000 tấn. Riêng lượng tôm xuất khẩu trong tháng 5/2022 đã chạm kỷ lục 95.000 tấn nhờ tiêu thụ ở các thị trường lớn như Trung Quốc và châu Âu thuận lợi.

15 – 20% diện tích nuôi tôm tại Ecuador được sản xuất theo phương thức công nghệ cao, cho sản lượng khoảng 18 – 22 tấn/ha/năm. Ảnh: ST

Robins McIntosh cho biết, với phương án nuôi công nghệ cao, sản lượng tôm của Ecuador hoàn toàn có thể cán mốc 2,5 triệu thậm chí gấp đôi con số này. Diện tích nuôi tôm của Ecuador khoảng 220.000 ha. Trong đó 15 – 20% diện tích được nuôi theo phương thức công nghệ cao, cho sản lượng khoảng 18 – 22 tấn/ha mỗi năm. Trong khi đó, cách đây 4 năm, sản lượng mỗi ha chỉ dưới 4 tấn. Do đó, nếu toàn bộ 220.000 ha nuôi theo phương pháp này, năng suất trung bình 20 tấn/ha thì tổng sản lượng tôm của Ecuador có thể lên tới 4,4 triệu tấn. Thay vì mở rộng diện tích nuôi, nông dân Ecuador chuyển đổi ao bằng cách tăng cường máy sục khí, máy cho ăn tự động và sử dụng thức ăn chất lượng cao. Ngoài ra, Ecuador đang đẩy mạnh chương trình gen di truyền trên tôm tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Chỉ 3 – 4 năm trước, trọng lượng tôm giống chỉ hơn 24 g/con nhưng hiện nay có thể đạt tới 30 – 50 g/con; đồng thời tỷ lệ sống cũng tăng cao hơn.

Chuyển hướng chế biến sâu

Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích thủy sản tại Rabobank cho biết, động lực tăng trưởng ngành thủy sản đang suy yếu dần ở cả hai thị trường EU và Mỹ. Nhu cầu thủy sản của ngành hàng dịch vụ ăn uống có thể giảm từ nay đến cuối năm và thị trường tôm cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Theo Gorjan Nikolik, biên lợi nhuận của người nuôi tôm trong năm 2022 có nguy cơ bị âm nếu không thể kiểm soát được chi phí đầu vào trong khi giá bán vẫn tiếp tục giảm. Do đó, khi sản lượng đi lên, Ecuador đầu tư nâng cấp nhà máy chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Trung Quốc và châu Âu. Hiện nhiều nhà máy đang đầu tư mạnh tay vào chế biến sản phẩm giá trị gia tăng để xuất khẩu vào Bắc Mỹ.

Trong tháng 7 vừa qua, Đối tác tôm bền vững của Ecuador (SSP) và Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) đã tổ chức hội thảo tại Guayaquil nhằm mục đích trình diễn quy trình nuôi tôm tới các nhà phân phối từ Mỹ và Canada. Hiện, nhiều kênh phân phối của hai quốc gia này đang có nhu cầu thu mua cao đối với các sản phẩm tôm giá trị gia tăng, bóc vỏ, bỏ đầu, rút chỉ lưng.

Tại châu Âu, Ecuador đang nổi lên là một đối thủ “đáng gờm” với các nguồn cung tôm châu Á. Nhờ lợi thế giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng, hai năm gần đây, Ecuador thâm nhập thị trường châu Âu bằng các sản phẩm từ tôm thịt rút gân, tôm thịt rút gân chừa đuôi đến các sản phẩm tôm sống và tôm hấp. Không những vây, nhiều công ty Ecuador cam kết đa dạng thị trường và sản phẩm tôm tại châu Âu, cụ thể tăng thêm diện tích các gian hàng trưng bày sản phẩm tại triển lãm Conxemar 2022 từ 60 m2 lên 200 m2.

Việc mở rộng sản lượng của Ecuador đồng nghĩa sẽ thu hẹp dần dư địa cho các nước xuất khẩu tôm khác. Trong khi ngành tôm Ecuador liên tục đi lên, thì ngành tôm Ấn Độ dự kiến vụ thu hoạch ảm đạm do nông dân hạn chế thả nuôi bởi chi phí đầu vào cao, nhu cầu hạn chế và thời tiết xấu.

Durai Murugan, chủ sở hữu trang trại nuôi TTCT Sea Gem Aqua Farms cho biết, bệnh EHP đã tàn phá ngành tôm Ấn Độ những năm gần đây. Năm nay, hội chứng tôm chết hàng loạt thực sự nghiêm trọng khi tỷ lệ sống ở nhiều ao giảm 40 – 50%. Dự kiến sản lượng tôm Ấn Độ nửa cuối năm sẽ giảm sâu.

Trong khi đó, các công ty xuất khẩu tôm Ấn Độ càng đuối sức hơn khi giá Ecuador được chào bán tại Mỹ quá thấp. Theo Robins McIntosh, xét về các chi phí thức ăn, con giống, nhiên vật liệu thì Ấn Độ và Ecuador tương đương, nhưng tỷ lệ tôm chết của Ecuador hiện ở mức thấp còn tại Ấn Độ lại đang có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, Ecuador đang có lợi thế về cước tàu rẻ hơn khi ở gần các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Mỹ.

>> Robins McIntosh cho rằng, nếu không nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như cải thiện hình ảnh và giá bán, chắc chắn không chỉ Ấn Độ mà ngành tôm châu Á sẽ chật vật khi chung “đường đua” với tôm Ecuador.

Đan Linh

(Tổng hợp)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *