Duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu thủy sản

Bứt phá

Những tháng đầu năm, mặc dù tình hình sản xuất thủy sản gặp không ít những khó khăn, nhưng toàn ngành đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Chính vì vậy, thủy sản vẫn là một điểm sáng và ghi nhận sự tăng trưởng trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 3.267,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.686,9 nghìn tấn, tăng 3,7%; sản lượng khai thác đạt 1.580,8 nghìn tấn, tăng 1,4% (sản lượng khai thác biển đạt 1.510,2 nghìn tấn, tăng 1,5%). Đặc biệt là với tôm và cá tra, những mặt hàng chủ lực của ngành, cũng có những dấu hiệu khả quan cả về tình hình nuôi trồng và xuất khẩu. Với tôm, trong khó khăn của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn có rất nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng và mang lại hiệu quả rõ nét, tạo nguồn cung tôm thương phẩm ổn định và ngày một chất lượng hơn. Còn sản xuất cá tra những tháng đầu năm cho thấy một bức tranh sáng sủa hơn, khi giá cá đã tăng hơn so cùng kỳ, thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn.

Thủy sản Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ tốc độ luân chuyển hàng hóa được phục hồi. Ảnh: LHV

Về tình hình xuất khẩu, giá trị kim ngạch thủy sản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%; trong đó, cá tra đạt gần 638 triệu USD, tăng gần 15% so cùng kỳ năm ngoái. VASEP cho biết, 5 tháng đầu năm, ngoài sự tăng trưởng dương xuất khẩu cá tra của một số thị trường hàng đầu như: Trung Quốc – Hong Kong, Mỹ, thì giá trị xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như: Mexico, Brazil, Colombia, Thái Lan tăng trưởng rất mạnh. Còn với mặt hàng tôm cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong tháng 5 tới 25%, trị giá 375 triệu USD, sau khi đạt trên 300 triệu USD trong tháng 4, tăng 23%. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14%. So cùng kỳ, xuất khẩu các nhóm sản phẩm hải sản của Việt Nam đều tăng, mạnh nhất các mặt hàng nhuyễn thể. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm các sản phẩm mực, bạch tuộc đạt 216 triệu USD, tăng 13%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 48 triệu USD tăng 44%.

Tại Cà Mau, địa phương trọng điểm về nuôi và xuất khẩu tôm; mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng theo Sở Công thương địa phương tình hình chế biến và xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất khả quan và tăng mạnh so cùng kỳ. Sản lượng tôm ước hơn 107.000 tấn, tăng 9,5%; sản lượng tôm chế biến ước đạt 85.250 tấn, tăng hơn 21%; kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm ước đạt 400 triệu USD, tăng 16,6%.

Duy trì tăng trưởng

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện các đối thủ cạnh tranh với tôm của Việt Nam là Ấn Độ, Thái Lan đang chịu tác động xấu từ dịch COVID-19, khiến nguồn cung và khả năng xuất khẩu của những nước này bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, cơ hội xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19. Đối với cá tra, nguồn cung đang dần ổn định, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra tăng tốc trong quý II và quý III/2021. 

Nhận định về giao thương thủy sản 6 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít trở ngại. Điển hình như, tình hình tiêu thụ cá tra có xu thế cải thiện, tuy nhiên, cái khó là diễn tiến tiêu thụ bị thụ động, vì sức cạnh tranh gay gắt từ cá thịt trắng và áp lực cầu giảm, do một số nước tăng nuôi cá tra. Minh chứng là giá cá tra nguyên liệu chưa có chuyển biến đáng kể. Riêng con tôm lại khác, thời điểm này giá tôm nguyên liệu đang tăng dù đang vào mùa vụ. Lý do là các doanh nghiệp chế biến tôm đang có nhiều hợp đồng tiêu thụ. Cơ bản, con tôm thuận lợi nhiều hơn, tuy nhiên nhiều cái khó vẫn đang song hành. Ví dụ như công tác đánh mã số ao nuôi, vùng nuôi rất chậm chạp, gây khó cho việc truy xuất nguồn gốc lô hàng. Đây được coi là một “nút thắt cổ chai” ngành tôm trên đường phát triển bền vững của mình…

Đại diện Sở Công thương Cà Mau cho biết, giải pháp trong thời gian tới của tỉnh là sẽ xúc tiến bằng hình thức trực tuyến với các nhà phân phối, doanh nghiệp nước ngoài, giúp doanh nghiệp tìm kiếm nhiều khách hàng mới, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, UBND tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ, để doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín để xuất khẩu.

Báo cáo ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 6/2021 của Hãng tài chính Mirae Asset cũng cho thấy rất nhiều triển vọng tích cực. Trong đó, các tin tức hỗ trợ được cập nhật trong tháng 4 – 5/2021 gồm xu hướng tiêm vaccine trên diện rộng, dẫn đến nhà hàng, quán cà phê, các dịch vụ công mở cửa trở lại vào giữa tháng 5, diễn ra tại EU. Cùng đó, xu hướng nới lỏng giãn cách xã hội, cũng được ghi nhận ở Mỹ – nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam. Mirae Asset cho rằng, động thái này kỳ vọng sẽ giúp giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng nhờ tốc độ luân chuyển hàng hóa phục hồi.

Hồng Hạnh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *