Đông Nam Á thay thế Trung Quốc trong chế biến thủy sản

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bất ngờ có nhiều biến động khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Mục tiêu tuyên bố của ông Trump là chấm dứt tình trạng mất cân bằng thương mại đáng kể giữa hai nước – sự mất cân bằng mà Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung Craig Allen cho rằng không có gì mới.

“Mỹ đã thâm hụt thương mại với Trung Quốc từ khi hình thành đất nước, trở lại những năm 1780 khi chúng ta xuất khẩu thủy sản còn ít và nhập khẩu toàn bộ chè. Thâm hụt thương mại đó đã kéo dài hàng trăm năm theo đúng nghĩa đen. Dưới thời ông Trump đã có một cuộc nổi dậy chống lại những gì đã trở thành tiêu chuẩn dẫn sự mất cân bằng thương mại rất lớn” ông Allen cho biết.

Các cuộc đàm phán qua lại và việc leo thang thuế quan “ăn miếng trả miếng” cuối cùng đã kết thúc với thỏa thuận “Giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Allen cho rằng đây là thỏa thuận “rất quan trọng đối với ngành thủy sản, đặc biệt là các đối tác coi Trung Quốc là thị trường, là trung tâm chế biến và là nguồn cung lớn”.

Thỏa thuận “Giai đoạn 1” bao gồm một số cam kết của Trung Quốc về việc nhập khẩu một lượng thủy sản nhất định do Mỹ sản xuất – những cam kết mà cho đến nay các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được. Bất kể thỏa thuận ra sao và nó có được tuân thủ hay không, ông Allen bày tỏ mối quan hệ thương mại song phương này sẽ không sớm suôn sẻ.

Hiện Trung Quốc đang là một trong trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu thế giới. Ảnh: UCN

Ngoài thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc và mối quan hệ thương mại có nhiều bất ổn, sự thay đổi nhân khẩu học ở Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng đến chi phí gia công ở quốc gia này khi thị trường lao động thắt chặt.

Ông cho biết: “Tỷ lệ sinh năm nay là thấp nhất từ ​​trước đến nay và tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị đã cơ bản kết thúc. Trung Quốc hiện đã đô thị hóa 70%, vì vậy giá lao động sẽ tiếp tục tăng và có thể tăng khá nhanh”. Do đó, các công ty đã tìm kiếm một địa điểm khác để chế biến hàng hóa, chủ yếu ở Đông Nam Á.

Phó Chủ tịch Cấp cao về Chính sách – Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Marc Mealy cho biết: “Câu hỏi cơ bản đối với rất nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ, nhiều người trong số họ là thành viên của cả Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, là trong một môi trường chuỗi cung ứng đang phát triển, liệu có những lựa chọn thay thế cạnh tranh thương mại đối với Trung Quốc để tìm nguồn cung ứng hoặc chế biến khác? ”.

Ông Mealy cho biết nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang chớp lấy cơ hội thu hút các doanh nghiệp Mỹ thành lập các doanh nghiệp chế biến mới. Các quốc gia sản xuất thủy sản hàng đầu như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đều đang tìm cách giữ một phần sản lượng trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Mealy cũng khẳng định Việt Nam đã làm rất tốt trong việc định vị mình là một tiềm năng thay thế cạnh tranh đối với Trung Quốc. Và trên toàn khu vực, đã có sự hợp tác đáng kể giữa chính phủ Mỹ và các chính phủ ở Đông Nam Á để tăng cường sản xuất thủy sản bền vững trong khu vực.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp chuyển đổi chế biến ra khỏi Trung Quốc là lượng chuyên môn đáng kể mà các nhà chế biến Trung Quốc đã tích lũy được qua nhiều thập kỷ đóng vai trò là trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu thế giới.

Giám đốc Judson Reis của Công ty Tư vấn Reis cho biết các vùng trung tâm như Thanh Đảo và Đại Liên đã thực sự xây dựng được kiến ​​thức chuyên môn đáng kể, có kỹ năng về khả năng tối đa hóa năng suất. Mặc dù trình độ kỹ năng chế biến ở Trung Quốc cao, tuy nhiên, ông Mealy cho rằng khu vực Đông Nam Á cũng đang nỗ lực rất nhiều để xây dựng chuyên môn trong nước.

“Không chỉ các nền kinh tế này đang trở nên tốt hơn với những gì họ làm mà còn hợp tác trong các ngành tương ứng. Có 2 tổ chức công nghiệp thủy sản khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực xây dựng năng lực và giúp các nhà sản xuất tăng cường chuỗi giá trị trong khu vực”, ông nói.

Ông Allen cho biết một lựa chọn cũng như giải pháp để quá trình chuyển đổi dễ dàng hơn là nhờ các đối tác hiện tại của Trung Quốc hỗ trợ trong việc chuyển đổi.

“Không phải chúng ta rời Trung Quốc và sau đó đến một đất nước hoàn toàn mới. Các nhà đầu tư có thể rời Trung Quốc và đi cùng các đối tác của mình, mang theo chuyên môn và các công nghệ xử lý để giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên”, ông Allen chia sẻ.

Ông Reis cho biết đối tác lý tưởng là một quốc gia ổn định về chính trị, có năng lực và hỗ trợ môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Một điều quan trọng khác là liệu các công ty đã sản xuất được các sản phẩm tương tự để xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa hay chưa. Tuy nhiên, một yếu tố phức tạp khác là liệu giá vận chuyển toàn cầu có rẻ trở lại hay không. Chuỗi cung ứng dài và hàng tồn kho đã hoạt động tốt nhưng các cảng của Mỹ gần đây đã phải vật lộn để xử lý khối lượng hàng hóa tăng lên và chi phí vận chuyển tăng vọt.

Hải Phong

Theo Seafoodsource

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *