Đông Âu: Thương mại thủy sản vẫn sôi động

Khơi thông cửa ngõ Klaipeda

Sự phục hồi của thị trường thủy sản Đông Âu luôn được mong chờ và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các hãng cung cấp mặt hàng này, Christen Mordal, chuyên gia thương mại thủy sản tại Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) chia sẻ tại Diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây Dương gần đây. Trước đó, ông Mordal cho biết, khối lượng nhập khẩu các loại cá biển khơi của Ukraine trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giảm khoảng 32.000 tấn so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu các loại cá biển khơi trong năm 2021 từng chạm mốc cao kỷ lục.

Nguyên nhân lý giải con số sụt giảm nói trên tất nhiên không nằm ngoài yếu tố chiến sự giữa Nga và Ukraine. Cả hai khu vực phía Đông và Tây Ukraine vẫn đang bị chia cắt bởi các cuộc xung đột căng thẳng khiến mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa gồm thủy sản tới các vùng phía Đông gặp rất nhiều ách tắc. Nhiều hãng xuất khẩu thủy sản cho biết, hoạt động vận chuyển hàng hóa thủy sản trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua gần như bị đóng băng khi cảng biển Klaipeda – cửa ngõ vận chuyển hàng hóa từ Tây Âu sang Đông Âu bị đóng cửa. Do đó, toàn bộ thủy, hải sản vào buộc phải vận chuyển qua biên giới của Ba Lan. Nhưng đến nay thị trường Đông Âu cũng như Ukraine đã khởi sắc trở lại khi cửa ngõ Klaipeda được khơi thông.

Dù vậy, xuất khẩu thủy sản sang Đông Âu, đặc biệt là Ukraine vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, theo Mordal. Tuy nhiên, yếu tố tích cực là Chính phủ Ukraine vừa đưa thủy sản vào danh sách hàng hóa quan trọng và được hưởng nhiều ưu đãi từ hệ thống quy định nhập khẩu thông thoáng mà chính phủ vừa đề ra. Nhiều công ty nhập khẩu thủy sản tên tuổi tại Ukraine như: Universal Fish Company, Klion và Flagman vẫn duy trì hoạt động. Ba doanh nghiệp này thuộc sở hữu của công ty Pelagia, Na Uy với hệ thống cửa hàng phân phối thủy sản tại Kyiv và các thành phố lớn khác. Nhiều cửa hàng thủy sản tại khu vực này cho biết, nguồn cung thực phẩm cho Ukraine không thiếu nhưng giá cả đã tăng vọt từ tháng 4 vừa qua. Hiện, 1 kg fillet cá hồi có giá trên 30 EUR/kg và đối với Ukraine thì đây là một mức giá bình thường trong bối cảnh chiến sự vẫn chưa chấm dứt.

Thị trường “hút” cá biển

Chỉ tính riêng Na Uy, xuất khẩu thủy sản sang Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Ukraine và Lithuania trong năm 2022 đã giảm đáng kể. Xuất khẩu cá biển sang các quốc gia này đã giảm hơn 50% trong 5 tháng đầu năm 2022, trong khi xuất khẩu các loại cá khác giảm 25%. Xuất khẩu thủy sản của Na Uy sang Lithuania cũng tương tự. Tuy nhiên, khi cảng Klaipeda được khơi thông, tình trạng ảm đạm tại thị trường thủy sản Đông Âu có thể được đẩy lùi, theo Mordal Klaipeda là một mắt xích quan trọng trong cuỗi cung ứng xuất khẩu hàng hóa từ phía Đông sang Ukraine, Kazahstan, Belarus và các nước khác.

Với Na Uy, xuất khẩu cá thu mackerel, cá trích, cá trứng sang EAEU, Ukraine và Lithuania giảm mạnh trong tháng 2, tháng 3 nhưng đã bắt đầu phục hồi trở lại vào tháng 4. Kazakstan là một ngoại lệ, kể từ khi Nga tấn công Ukraine, thị trường này cùng với Belarus không còn là điểm đến hấp dẫn cho các hãng xuất khẩu thủy sản của Na Uy. Tính đến nay, nhập khẩu cá biển khơi của Kazakstan đang giảm 33% so cùng kỳ.

Tại thị trường Belarus, các hãng thủy sản vẫn đang duy trì hoạt động rất tích cực, bất chấp những khó khăn về logistics hay các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên hệ thống ngân hàng và sự tẩy chay từ nhiều nguồn cung thủy sản nước ngoài. Thực tế, không trở ngại nào đối với các hoạt động xuất, nhập khẩu thủy, hải sản tại thị trường này. Dù nhập khẩu thủy sản của Belarus giảm trong tháng 3 và tháng 4, nhưng nhập khẩu cá biển khơi lại vượt mốc thống kê của năm 2021.

Theo Mordal, trong 3 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thủy sản của khu vực Đông Âu tăng 1.000 tấn so cùng kỳ. Trong đó, Nga vẫn là thị trường quan trọng nhất với sản phẩm chế biến của Belarus. Theo truyền thông Nga, trong tháng 5 vừa qua, hãng chế biến thủy sản Santa Bremor của Belarus đã bị buộc phải ngừng bán cá hồi và cá trout thương hiệu Sea của Nga do nguồn cung cá hồi nguyên liệu Na Uy cạn kiệt sau khi chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, cả Na Uy và Iceland đều không từ bỏ thị trường Đông Âu, trong đó có Belarus và sẵn sàng nối lại mọi hoạt động thương mại khi xung đột bớt căng thẳng hay cảng biển được khơi thông.

Các hãng xuất khẩu thủy sản đều nhận định Nga vẫn là thị trường tiêu thụ cá biển khơi quan trọng nhất khu vực Đông Âu. Trong 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu của nước này chỉ giảm nhẹ khoảng 5.000 tấn so cùng kỳ năm ngoái. Nga đang củng cố hệ thống xuất, nhập khẩu thủy sản thông qua các biện pháp đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây và khẳng định nhiều công ty xuất khẩu đang tìm cách tiếp cận thị trường Nga nên việc thiếu hụt nguồn cung sẽ không xảy ra. Nhập khẩu thủy sản của Nga sẽ không gặp phải bất cứ hạn chế nào, trừ hai thị trường Mỹ và Canada.

Sản lượng khai thác cá thu mackerel và cá trích của Nga tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái; trong đó cá trích tăng 60.000 tấn, cá thu mackerel tăng 23.000 tấn. Nhờ đó, xuất khẩu hai loại cá này cũng tăng vọt. Nhìn chung xuất khẩu cá biển của Nga đã tăng hơn 45.000 tấn, chủ yếu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và Nigeria. Đối với các hãng thủy sản Nga, việc bị Bắc Mỹ hay phương Tây cấm vận lại chính là cơ hội để họ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Vũ Đức

Tổng hợp

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *