Dồn sức gỡ khó cho doanh nghiệp
Thị trường trầm lắng
Tăng trưởng âm 31% là con số đã được nhắc đến nhiều của hoạt động xuất khẩu thủy sản nước ta trong những tháng đầu năm nay. Dù chịu tác động khác nhau nhưng rõ ràng khó khăn đang “bủa vây” ngành thủy sản. Thị trường sụt giảm, nguồn cung khan hiếm, loay hoay trong tiếp cận vốn vay là một số thách thức được đề cập.
Theo số liệu của VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 810 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD; thấp hơn 31% so cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng chịu tác động chính là: Xuất khẩu tôm giảm 39,6%, đạt 843 triệu USD; cá tra giảm 39,9%, đạt 558 triệu USD; cá ngừ giảm 30% tương ứng 109 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác giảm 46%…
Cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua “bão” khó khăn như hiện nay. Ảnh: Phan Thanh Cường
Về thị trường xuất khẩu, theo VASEP, tình trạng thắt chặt chi tiêu khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm sâu 51% trong tháng 4, đẩy Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Thế nên hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đều có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ, Trung Quốc. Xuất khẩu tôm sang những thị trường này giảm được bù đắp bằng doanh thu từ hoạt động gia công chế biến xuất khẩu các mặt hàng hải sản cho các nhà chế biến, kinh doanh hải sản nước ngoài.
Nguồn: TCHQ. Đồ họa: TSVN
Doanh nghiệp lao đao
Những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong quý I/2023 khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản lao đao. Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – doanh nghiệp số 1 Việt Nam về xuất khẩu tôm cũng không ngoại lệ. Theo công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2023 của Minh Phú, doanh thu thuần của Công ty đạt hơn 2.120 tỷ đồng, giảm một nửa so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng gần 3 lần khiến Công ty lỗ sau thuế 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 vẫn lãi hơn 91 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I/2023 kém xa mục tiêu doanh thu gần 18.000 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 1.146 tỷ đồng trong năm 2023 mà Minh Phú đặt ra từ đầu năm. Kết quả này cho thấy sự chững lại sau nhiều năm lợi nhuận tăng trưởng cao của doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôm” của Việt Nam.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, hiện nay hạn ngạch nhập khẩu một số mặt hàng đang ở mức cao. Đơn cử như tại Hàn Quốc, chi phí để có hạn ngạch nhập khẩu tôm theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) thông qua cơ chế đấu thầu đã tăng đến khoảng 14 – 16% so giá trị nhập khẩu. Điều này, làm tăng giá và khó cạnh tranh. Bởi vậy chính sách giảm hạn ngạch cần được quan tâm điều chỉnh. Còn theo các doanh nghiệp thủy sản ở Kiên Giang, câu chuyện đơn hàng chỉ là nhất thời, lúc tăng lúc giảm theo nhu cầu của thị trường là chuyện bình thường. Quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu, bởi nguyên liệu mà cạn kiệt thì ngành thủy sản sẽ khó mà đứng vững được thời gian tới.
Ông Đinh Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Sơn Trà cho biết, từ đầu năm đến nay, Công ty mới xuất khẩu được khoảng 9 tấn hàng, giảm đến 70% so cùng thời điểm năm trước. Nguyên nhân một phần là do thiếu nguyên liệu, vì nguyên liệu sản xuất chủ yếu của Công ty là cá tự nhiên, nhưng hoạt động khai thác trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn; nhu cầu thị trường cũng sụt giảm.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn chia sẻ băn khoăn, nhiều năm qua Công ty xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Nhật Bản nhưng từ đầu năm đến nay thị trường và đơn hàng xuất đi Nhật Bản rất ít. Công ty chào giá thấp hơn 1 USD so với năm ngoái nhưng các đối tác phía Nhật Bản cho rằng hàng của Công ty vẫn cao hơn sản phẩm của Ấn Độ và Ecuador đến 2 USD nên họ không thể nhập hàng. Vì vậy, Công ty phải giảm giá mua tôm nguyên liệu nhưng không thể giảm sâu hơn nữa vì người nuôi không có lợi nhuận.
Tại Phú Yên – nơi có hơn 30% doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cả nước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này quý I/2023 giảm 35%. Hiện, đa phần doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Phú Yên nói riêng và 17 nhà máy chuyên chế biến, xuất khẩu cá ngừ tại Khánh Hòa và Bình Định đều gặp hai khó khăn, thứ nhất là đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh dẫn đến tồn kho lớn; thứ hai là các chi phí đầu vào tăng cao, nhất là chi phí lãi vay đang gây áp lực cho các doanh nghiệp. Hiện, các doanh nghiệp đang cần tiếp sức từ Nhà nước.
Còn khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với xuất khẩu của Cà Mau, đặc biệt ở lĩnh vực thủy sản là vấn đề tiếp cận vốn. Hiện, các tổ chức tín dụng thắt chặt nguồn vốn do thiếu tài sản đảm bảo; một số tổ chức tín dụng lãi suất cao hơn 9% nên doanh nghiệp khó tiếp cận; hạn mức cho vay thấp nên doanh nghiệp khó chủ động về vốn khi cần thu mua nguyên liệu.
Trước đây, Công ty TNHH Hoa Sen 68 (Thanh Hóa) thường thu mua cá thu, cá ngừ của người dân đánh bắt ngay tại cảng cá để làm các sản phẩm đông lạnh xuất khẩu. Từ đầu năm tới nay, giá thu mua nguyên liệu tăng cao, trong khi dòng vốn thì mỏng, nên kinh doanh không hiệu quả. Họ buộc phải chuyển hướng từ xuất khẩu cá đông lạnh sang chế biến cá tuyết sấy khô để xuất khẩu. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc mới, họ cần hàng chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn lãi suất xuống 4 – 5%, như bây giờ 9 – 10% doanh nghiệp cân đối rất khó”.
Còn với Công ty TNHH Xuất khẩu Thủy sản EXPT, mới đi vào hoạt động được 1 năm, nhưng hiện chỉ đủ vốn quay vòng vài tháng sản xuất nên họ rất mong chờ được hưởng dòng vốn ưu đãi để có thể mua tích trữ nguyên liệu duy trì sản xuất. Mực tươi là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này. Hiện, Công ty có kế hoạch xuất khẩu 300 tấn thành phẩm sang thị trường Nhật, tuy nhiên do khó khăn về vốn họ chỉ đủ ổn định sản xuất từ 2 – 3 tháng, nên mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì sản xuất ổn định.
Chung tay gỡ khó
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét giảm thuế khi nhập khẩu các nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản – như giảm thuế nhập đậu nành từ 2% về 0%, góp phần giảm chi phí đầu vào cho người nuôi cá. Nếu được giảm thuế, giá thành sẽ giảm, sức cạnh tranh tăng, bởi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất.
Chung tay gỡ khó đối với xuất khẩu thủy sản của Cà Mau, thời gian qua, tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn. Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra vào cuối tháng 4/2023 vừa qua; Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, hiện tỉnh đang quyết liệt các các giải pháp nhằm tăng năng suất, giảm rủi ro từng loại hình nuôi, đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế các loại hình nuôi tôm thân thiện với môi trường để cung ứng mặt hàng tôm chất lượng cao. Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, Cà Mau định hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và đa dạng các mặt hàng sản phẩm bằng cách tiếp cận sâu những thành phố lớn, những địa phương không có mặt hàng thủy sản.
Hồng Hạnh
Bình luận gần đây