Đổi mới, sáng tạo để ngành tôm phát triển bền vững

Mới đây, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4Ag) và tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm và bước đầu xây dựng khung hoạt động chung, tiếp tục củng cố vị thế ngành tôm Việt Nam với thị trường trong và ngoài nước. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu đến từ 30 tỉnh, thành phố, viện nghiên cứu, trường đại học, các hội và hiệp hội ngành hàng tôm, các doanh nghiệp có liên quan chuỗi giá trị tôm nước lợ.

Theo Cục Thủy sản, hàng năm ngành tôm Việt Nam giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản. Tuy nhiên, ngành tôm hiện đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chất lượng đầu vào, phương thức canh tác chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Với mục tiêu kiến tạo các chuỗi giá trị địa phương hiệu quả, dự án i4Ag-GIZ sẽ hợp tác cùng các bên liên quan triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho ngành tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, trước thách thức về môi trường, dịch bệnh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không thể phủ nhận thời gian qua các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, từ việc ứng dụng công nghệ, phát triển hạ tầng khu nuôi… giúp việc quản lý môi trường tốt hơn, giảm phát thải, kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp.

“Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế bền vững mà còn góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng hệ sinh thái xanh cho tương lai. Đây là con đường tất yếu để ngành tôm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế”, ông Luân nhấn mạnh.

Giải pháp công nghệ

Ông Ngô Tiến Chương – Trưởng nhóm Thủy sản GIZ cho rằng, thách thức của ngành tôm Việt Nam hiện nay đến từ tỷ lệ thành công vụ nuôi chỉ hơn 40%; chi phí vận hành cao (thay nước nhiều, tiêu hao năng lượng lớn…); chất thải trong nuôi tôm; liên kết sản xuất còn bất cập; sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Riêng tại vùng ĐBSCL, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp nhất cả nước, chỉ đạt 13,3%.

Do đó, để phát triển hiệu quả ngành tôm, một trong những giải pháp hàng đầu được đặt ra là áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tăng năng suất, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, công nghệ cũng sẽ giúp người nuôi và doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Dự án i4Ag hướng đến nâng cao chất lượng nước và tỷ lệ sống của tôm giống phục vụ hoạt động nuôi thủy sản bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất, sản lượng cũng như chất lượng thủy sản nuôi trồng theo hướng thân thiện với môi trường.

03 giải pháp đổi mới sáng tạo đang được Dự án i4Ag triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau, đó là:

Thứ nhất, áp dụng hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS) sẽ giúp tiết kiệm và kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường;

Thứ hai, triển khai mô hình nuôi tôm-rừng cải tiến nhằm nâng cao tỷ lệ sống của tôm giống thả nuôi bằng ương dưỡng, cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên để nâng cao năng suất;

Thứ ba, sử dụng giải pháp cải thiện chất lượng nước, nâng cao chất lượng tôm giống và an toàn sinh học.

Theo ông Chương, việc áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nuôi tôm bền vững trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên có hạn, các yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, phát thải carbon thấp và cân bằng hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam.

Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, năng suất tôm rừng của địa phương ngày càng đi xuống. Trong khi đó, mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật bổ sung vi sinh làm cho năng suất tôm – rừng tăng. Vì vậy, vị này mong muốn dự án hỗ trợ để địa phương mở rộng mô hình nuôi tôm-rừng cải tiến.

Thục Quyên

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *