Doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp khó khăn về thủ tục

Tăng trưởng ấn tượng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi đạt mức đỉnh 1 tỷ USD trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản tháng 11 chững nhẹ, đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.

Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD cả năm. Xuất khẩu cá tra vẫn tốt với giá trị 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD trong năm 2024. Với cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.

Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ tăng tới 180%.

Về thị trường, Trung Quốc – Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới. Với ba thị trường lớn khác là Nhật Bản, EU và Hàn Quốc, dù không có sự bứt phá lớn trong tháng 11, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Dự kiến, với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024, tăng 11,5% so với năm 2023, trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc

Theo VASEP, năm 2024, doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Trước tiên, đó là vướng mắc tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Nghị định 38/2024/NĐ-CP. Cụ thể, trong quá trình thực thi Nghị định số 37 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cho chuỗi cung ứng hải sản khai thác liên quan đến quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên. Cùng đó là quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện cũng gặp khó do bất cập trong thủ tục cấp giấy S/C và C/C trên hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) phục vụ xuất khẩu hải sản sang EU và các nước có yêu cầu.

Cụ thể, hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) đã được Cục Thủy sản đề nghị các tỉnh triển khai để cấp Giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy S/C), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy C/C) từ ngày 15/8/2024. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều lô nguyên liệu hải sản doanh nghiệp vẫn chưa xin cấp được các hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên hệ thống eCDT do một số các bất cập tại các khâu phía trước của chuỗi khai thác – cung ứng nguyên liệu hải sản khai thác, cũng như việc nhiều tỉnh chỉ cho áp dụng duy nhất eCDT như quy định pháp luật bắt buộc, không cho áp dụng song song với hồ sơ giấy như quy định tại Thông tư.

Ngoài ra, còn một số vấn đề mà doanh nghiệp bị vướng mắc như thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư mới hay những quan ngại về đăng ký và công bố sản phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước và quản lý các sản phẩm phải kiểm soát đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, VASEP kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp các nội dung bất cập, vướng mắc đã được báo cáo liên quan tới Nghị định 37 và Nghị định 38 nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập cho sản xuất – kinh doanh của ngư dân và doanh nghiệp.

Cùng đó, để không ảnh hưởng, gián đoạn đến hoạt động sản xuất của bà con ngư dân, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, bên cạnh triển khai song song việc tiếp nhận và cấp các hồ sơ về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác bằng cả hồ sơ giấy và cả trên hệ thống eCDT, đề nghị Bộ NN&PTNT và Cục Thủy sản tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân việc nạp dữ liệu nguồn đầu vào chính xác để các khâu sau không bị vướng mắc và thiết lập đường dây hỗ trợ kỹ thuật 24/7. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện phần mềm eCDT bao gồm cả việc nhập liệu đối với tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không lắp đặt VMS và quy trình xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) đối với nguyên liệu khai thác từ các tàu khai thác này…

Bảo Hân

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *