Doanh nghiệp thủy sản: Nỗ lực duy trì sản xuất và chống dịch
Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Cùng nhìn lại kết quả sản xuất, kinh doanh nửa đầu năm của những “ông lớn” ngành thủy sản, có thể thấy, Công ty CP Vĩnh Hoàn mang về hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu và hơn 260 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 41% và 16% so quý II/2020. Cũng có động lực từ phục hồi xuất khẩu, Công ty CP Kiên Hùng mới công bố lãi ròng trong quý II/2021 tăng đến hơn 10 lần. Thời gian qua, nhu cầu của khách hàng tại châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tạm thời phục hồi và ổn định lại. Công ty cũng chủ động nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá cả cạnh tranh để duy trì sản xuất ổn định. Tương tự với công ty nuôi tôm sinh thái Camimex Group vừa báo cáo doanh thu bán niên tăng 31% lên mức 933 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 32 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ; nguyên nhân là do lãi gộp tăng và cải thiện hiệu quả hoạt động tài chính, song loạt chi phí tăng lên cũng làm thu hẹp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Công ty mẹ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nào cũng có kết quả khả quan, một phần do họ không giải quyết được bài toán cước phí vận tải biển “lập đỉnh”. Theo chia sẻ của đại diện Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, trong quý II/2021, doanh nghiệp này lãi 10 tỷ đồng, giảm một nửa so cùng kỳ do chi phí bán hàng tăng mạnh. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, giá trị xuất khẩu năm nay sẽ tăng ít nhất 30% so năm 2020 bất chấp ảnh hưởng bởi dịch do nhu cầu thị trường tôm đang phục hồi mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đối mặt với làn sóng tăng giá nguyên liệu và cước vận tải biển tăng mạnh nên phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng tối đa công suất hoạt động của các nhà máy.
Rất nhiều doanh nghiệp thủy sản đang bị “đuối sức” trước tác động nặng nề từ COVID-19 Ảnh: Ngọc Trinh
Vừa sản xuất vừa chống dịch
Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gò Đàng cho biết, nhà máy chế biến ở Tiền Giang và Bến Tre đều đang hoạt động theo tinh thần vừa bảo đảm sản xuất vừa chung tay chống dịch. Theo đó, nhà máy tại Tiền Giang có khoảng 40% công nhân (gần 600 công nhân) đăng ký ở lại làm việc. Nhà máy tại Bến Tre có 435 công nhân thực hiện “4 tại chỗ”, vừa sản xuất vừa chống dịch. Đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay đã có 11 doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) đăng ký sản xuất “3 tại chỗ” với 6.800 công nhân và 21 cơ sở ngoài KCN đăng ký sản xuất “3 tại chỗ” với khoảng 3.500 công nhân. Được biết, nông dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đang thu hoạch tôm; nếu các nhà máy chế biến ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, nông dân sẽ khó bán được tôm, giá tôm sụt. Tuy nhiên, không phải nhà máy, xí nghiệp nào cũng có chỗ cho công nhân ngủ lại. Đây cũng là thời điểm các nhà máy chế biến tôm tăng tốc sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào cuối năm. Nhiều xí nghiệp duy trì sản xuất, thực hiện “3 tại chỗ” nhưng khó khăn về chỗ lưu trú cho công nhân được các địa phương tạo điều kiện tối đa để thuê nhà trọ, khách sạn và trưng dụng trường học làm chỗ ở cho công nhân.
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhất là 19 tỉnh Nam bộ đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nên hoạt động giao thương thủy sản bị ảnh hưởng lớn. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tại các tỉnh ĐBSCL hiện đang còn khoảng 1,6 triệu tấn cá tra, 800 nghìn tấn tôm gần đến ngày thu hoạch nhưng không có nhân công và các nhà máy chế biến giảm lượng mua vào.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu, ngành nông nghiệp các địa phương phải đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Bởi một khi các đơn vị này ngừng hoạt động sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nuôi trồng – tiêu thụ thực phẩm. Thứ trưởng Nam cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương phải linh hoạt trong việc duy trì hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản. Các địa phương không thể cứng nhắc yêu cầu “3 tại chỗ” như các ngành sản xuất thông thường khác vì vừa không đảm bảo điều kiện ăn ở cho lao động, vừa vi phạm điều kiện vệ sinh ATTP. Thay vào đó, địa phương cần tăng cường các biện pháp tiêu độc, khử trùng, khuyến cáo thực hiện tốt 5K và hỗ trợ xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên các cơ sở trên. Cùng đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương ưu tiên phân bổ nguồn vaccine để tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhằm động viên họ yên tâm làm việc. Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm COVID-19 để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì hoạt động, đảm bảo sự liên tục trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
>> Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ước 6 tháng cuối năm sản lượng thủy sản của của 19 tỉnh, thành Nam bộ đạt 2,9 triệu tấn, trung bình mỗi tháng toàn vùng sản xuất khoảng 483.000 tấn; sản phẩm đáp ứng đủ tiêu dùng và xuất khẩu. Về kết nối cung – cầu, đến ngày 25/7, có 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác Chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ NN&PTNT, trong đó rau củ 85 đầu mối; trái cây 102 đầu mối; thủy, hải sản 157 đầu mối; lương thực 24 đầu mối; các mặt hàng khác 20 đầu mối. Ngoài ra, 12/13 tỉnh ĐBSCL có 148 cơ sở NTTS với nhiều loại khác nhau sẽ thu hoạch thủy sản trong thời gian tới cung cấp qua Tổng cục Thủy sản. Trong tổng số 388 đầu mối đăng ký qua Tổ Công tác 970, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến cuối tháng 7 dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản. Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu.
Hải Lý
Bình luận gần đây