Doanh nghiệp thủy sản chuẩn bị cho đà hồi phục
Thông tin được đưa ra từ Đại hội đồng thường niên của các doanh nghiệp nhóm hàng thủy sản cho thấy, các doanh nghiệp này đã “mạnh dạn” lên kế hoạch cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, đặt mục tiêu từ lỗ sang lãi tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đầu tiên phải kể đến “ông lớn” của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Doanh nghiệp đã đặt mục tiêu doanh thu đạt 18.568 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng 73,8% so với mức thực hiện năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái thua lỗ hơn 105 tỷ đồng.
Theo đại diện doanh nghiệp này, năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp nhiều thách thức do thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, sự thay đổi trong xu hướng thị trường và khả năng cạnh tranh thấp do giá thành tôm nguyên liệu cao. Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều biến động khó lường, Minh Phú đã đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBiO; đồng thời hoàn thiện, đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ sinh học MPBiO; phấn đấu đến năm 2035, doanh nghiệp tự cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của mình.
Với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và tâm thế vượt khó của doanh nghiệp, mục tiêu kim ngạch 9,5 – 10 tỷ USD của ngành thủy sản là hoàn toàn có cơ sở để đạt được; Ảnh: VOV
Với vị thế là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ 2 thế giới, Công ty CP Nam Việt đặt mục tiêu lãi ròng năm nay tăng gấp 8 lần năm ngoái; doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 360 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12,6% và 462,5% so với mức thực hiện năm 2023.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh năm nay của Nam Việt sẽ tích cực hơn, khi giá xuất khẩu cá tra dự kiến phục hồi trong bối cảnh nhu cầu tăng và nguồn cung giảm. Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, Nam Việt tiếp tục là doanh nghiệp được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% (theo POR19). Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Nam Việt cho biết, Công ty đã hợp tác thành công với các nhà phân phối thủy sản lớn và kết nối lại với tập khách hàng cũ nhờ lịch sử xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn trước năm 2014.
Đối với thị trường Trung Quốc, Nam Việt cũng đang ghi nhận nhiều kết quả khả thi nhờ việc mở rộng thêm tệp khách hàng mới tại ở Bắc Kinh và Quảng Châu, bên cạnh khu vực truyền thống là Thượng Hải. Đồng thời, sau quá trình nghiên cứu thị trường, Nam Việt đã mở rộng thêm dòng sản phẩm cá tra xẻ bướm tẩm gia vị, đáp ứng đúng nhu cầu cao tại Trung Quốc.
Tại thị trường nội địa, sau thương vụ hợp tác với Bách Hóa Xanh từ tháng 3/2023, các dòng sản phẩm Nam Việt được đánh giá đã có độ nhận diện cao hơn và dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước. Theo dự báo mới đây của hãng Chứng khoán Vietcombank, doanh thu từ thị trường trong nước của Nam Việt năm nay có thể tăng tới 63% so với năm 2023.
Một thương hiệu lớn khác của ngành cá tra cũng được kỳ vọng có tăng trưởng tốt trong năm nay đó là Công ty CP Vĩnh Hoàn. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn ghi nhận phục hồi tích cực với doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 3.901 tỷ đồng, thực hiện được 36,5% kế hoạch năm. Cá tra fillet xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của Công ty, với doanh thu tăng 15%, lên 1.819 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54%.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, Vĩnh Hoàn được hưởng lợi khi xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 và 2025, trong bối cảnh Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản chế biến có nguồn gốc từ Nga kể từ tháng 12/2023. Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ hưởng lợi lớn khi Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính, với tỷ trọng 29% trên cơ cấu doanh thu trong 4 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Công ty đang có kế hoạch thúc đẩy năng lực phát triển ở mảng collagen và gelatin (C&G) và dòng tạp phẩm (miscellaneous), chiếm tỷ trọng trên cơ cấu doanh thu lần lượt 8% và 17%. Vĩnh Hoàn đã đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gelatin, đi vào hoạt động từ tháng 4/2024 và dự kiến nâng công suất mảng C&G thêm 50% trong năm nay.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024. Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường, trong đó cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Song song đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Hoài Phương
Bức tranh kinh doanh ngành thủy sản sáng hơn từ quý II cùng triển vọng tích cực về nhu cầu và giá bán nửa cuối năm và thủy sản “vào mùa” xuất khẩu sẽ mở ra triển vọng tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp ngành hàng này trong năm 2024.
Bình luận gần đây