Doanh nghiệp thủy sản: Cái khó “bó” cái khôn

Thiếu đơn hàng

Bà Bùi Thị Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hải Thanh (tỉnh Cà Mau) cho biết, nguyên nhân của việc xuất khẩu sụt giảm chủ yếu đến từ thị trường tiêu thụ giảm đáng kể. Sau nhiều tháng đối mặt với giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng lạm phát mạnh, “hầu bao” của người tiêu dùng vơi dần đi. Bà Lan lấy ví dụ, trước đây trung bình mỗi tháng một gia đình ở Mỹ sử dụng khoảng 500 USD để mua 2 kg tôm thì nay với số tiền đó họ chỉ mua được 1,2 kg tôm. “Không khó để chúng ta nhận thấy, tiêu thụ tôm ở thị trường này giảm sâu như thế nào. Đơn hàng giảm mạnh, lợi nhuận giảm nhưng các chi phí khác như kho bảo quản, lương người lao động, nguyên liệu đầu vào khó giảm là thách thức không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp những tháng cuối năm”, bà Lan thông tin.

Ông Hồ Minh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Hòa (doanh nghiệp chế biến thủy sản) cho biết: “Những tháng cuối năm, lượng đơn hàng giảm nghiêm trọng, sức mua của người tiêu dùng giảm, dẫn đến các siêu thị cũng chần chừ không đặt đơn hàng chúng tôi. Để có thể duy trì ổn định, chúng tôi buộc phải cắt giảm thời gian làm việc của nhân viên, đồng thời cắt giảm đi những vị trí không quan trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp giải quyết tạm thời, nếu cứ tiếp tục tình trạng như thế này kéo dài thì sẽ là một thách thức rất lớn cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi”.

Hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản gặp không ít trở ngại dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Kiểm

Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm từ tôm; thời gian này, do thiếu đơn hàng nên Công ty buộc phải cắt giảm giờ làm của công nhân. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, những năm trước, thời gian này các đối tác nhận hàng để chuẩn bị cho Giáng sinh; tuy nhiên năm nay, sức tiêu thụ của các nước giảm sút, nhất là châu Âu nên các đối tác không nhận hàng. “Hợp đồng đã ký đầy đủ nhưng vì sức tiêu thụ kém quá nên người ta đề nghị mình giao hàng chậm lại. Trước đây dịch COVID-19, mình chậm giao hàng thì bây giờ mình cũng phải hỗ trợ lại họ, chứ không thể phạt họ được”, ông Lĩnh nói. Theo ông Lĩnh, do chậm giao hàng nên không có tiền về, trong khi đó chi phí sản xuất tăng. Vì vậy, Công ty buộc phải cho công nhân nghỉ làm thứ bảy, chủ nhật mặc dù trước từ đến nay chưa có tiền lệ nghỉ làm 2 ngày này.

Áp lực tín dụng

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, nông nghiệp và chế biến thực phẩm là lĩnh vực ưu tiên nên các doanh nghiệp đang được vay với lãi suất chỉ 5 – 6%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục tăng, dẫn đến lãi suất cho vay ngắn hạn tăng theo. Ngay cả các NHTM có vốn nhà nước như Vietinbank, BIDV lãi suất cho vay ngắn hạn tăng lên 8,5% nhưng cũng chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, có kế hoạch làm ăn tốt vì room tín dụng có hạn. Các NHTM khác mức lãi suất đã tăng hơn 10%.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, ngành thủy sản đang có 3 khó khăn lớn là về tín dụng, xúc tiến thương mại và quỹ đất cho nuôi trồng. Trong đó, chỉ khoảng 60% doanh nghiệp được giải ngân tín dụng. Trong quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không được giải ngân, không có đơn hàng. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn.

Ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Camimex Group, cho biết vướng mắc trong cắt giảm hạn mức tín dụng cho vay của các NHTM đang là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp thủy sản. Hiện tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước đang thắt chặt vấn đề giải ngân nên những doanh nghiệp dù còn hạn mức nhưng ngân hàng không tiếp tục giải ngân mà lại cắt hạn mức của doanh nghiệp. Trong khi đó, hiện nay vào mùa cao điểm sản xuất, xuất khẩu để khách hàng bán vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn càng cao nên việc ngân hàng không giải ngân và thu hồi các khoản tín dụng cũ đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Giải pháp gỡ khó

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, bổ sung hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022. Theo nội dung công văn, dự báo hạn mức tín dụng cần tăng thêm để cho doanh nghiệp địa phương vay đến cuối năm khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các NHTM trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hết hoặc gần hết giới hạn cấp tín dụng nên việc đáp ứng nhu cầu vay vốn hàng ngày cho các doanh nghiệp rất cân nhắc và hạn chế. Một số công ty thủy sản tại địa phương có uy tín và quy mô sản xuất, kinh doanh lớn đang chịu áp lực rất lớn về tài chính khi các NHTM không đủ hạn mức tín dụng để giải ngân 100% nhu cầu rút vốn vay của doanh nghiệp để thu mua nguyên liệu cho người dân, kịp thời sản xuất, kinh doanh đáp ứng các đơn hàng và duy trì việc làm cho người lao động trong những tháng cuối năm. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, bổ sung hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022. Đồng thời, xem xét, tiếp tục thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, phân kỳ thời gian trả nợ đối với các khoản nợ đã cơ cấu lại trong thời gian dịch bệnh.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo đó, để khắc phục phần nào các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp. Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

>> Mới đây, VASEP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, báo cáo các khó khăn vướng mắc tác động tới năng lực sản xuất kinh doanh của doannh nghiệp thủy sản cuối năm 2022 và 2023. VASEP cho biết, từ giữa năm 2022 đến nay, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản, dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới giải ngân được 60 – 80%. Không được giải ngân tiếp, nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn lớn đã không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có doanh nghiệp đang triển khai các dự án thủy sản đã ngừng thi công.

Hồng Hạnh

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *