Doanh nghiệp Nhật giúp Bình Định chế biến cá ngừ đại dương
Trao đổi với VnExpress.net chiều 13/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết, trung bình mỗi năm tàu thuyền của ngư dân địa phương đánh bắt hơn 10.000 tấn cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, lượng chế chế biến tại chỗ chỉ khoảng 20%, số còn lại phải bán đi các nơi khác hoặc xuất qua khâu trung gian.
Năm 2013, mặc dù ngư dân miền Trung liên tục trúng đậm cá ngừ đại dương nhưng giá liên tục giảm vì chưa biết cách bảo quản, sơ chế hiệu quả – Ảnh:Trí Tín.
Nhằm cải thiện tình hình, năm 2013, tỉnh Bình Định đã lập nhiều đoàn công tác đến Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Tỉnh đang phối hợp với Hội hữu nghị Nhật – Việt tại Sankai đề nghị với Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA triển khai hai dự án: Kỹ thuật đánh bắt, bảo quản nâng cao giá trị xuất khẩu cho cá ngừ đại dương và xây dựng khu hậu cần nghề cá ở cảng Tam Quan, huyện Hoài Nhơn.
Theo ông Lộc, phía Nhật Bản nhận lời giúp đỡ tập huấn cho cán bộ, doanh nghiệp, ngư dân Bình Định kỹ thuật đánh bắt, bảo quản và chế biến cá ngừ đại dương.
“Trước mắt, trong tháng này, một số doanh nghiệp ở OSAKA(Nhật Bản) cử hai chuyên gia đến giúp ngư dân Bình Định nâng cao kỹ thuật đánh bắt, bảo quản và chế biến. Tài trợ miễn phí cho 4 cán bộ, kỹ sư chuyên ngành thủy sản của tỉnh sang Nhật tập huấn sau đó về phổ biến lại cho bà con nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương”, ông Lộc cho biết thêm.
“Từ khi ngư dân Bình Định chuyển đổi hình thức đánh bắt, ngay năm đầu tiên 2012 sản lượng cá ngừ đại dương tăng đột biến, cao gấp 2,5 lần so năm 2011. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng cá ngừ đạt gần 4.700 tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tàu đạt từ 2,5 – 3 tấn mỗi chuyến biển”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định nói.
Mặc dù ngư dân được mùa nhưng giá cá ngừ đại dương liên tục giảm từ 120.000 đồng mỗi ký xuống 45.000 đồng. Hầu hết các chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương đều cho rằng đang bị bên thu mua ép giá. Tuy nhiên, các cơ sở thu mua thì giải thích rằng chất lượng cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng quá kém, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ có thể tiêu thụ nội địa nên không thể mua giá cao.
Thống kê của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, năm 2012, Việt Nam khai thác được hơn 22.000 tấn (tăng gấp đôi so với năm 2010). Dự kiến, năm nay, sản lượng có thể đạt khoảng 25.000 tấn Tuy nhiên chỉ có khoảng 25% sản lượng có thể xuất khẩu tươi, còn lại phải qua chế biến, đóng hộp nên giá trị xuất khẩu giảm đáng kể.
Bình luận gần đây