Định vị mới cho tôm Trà Vinh
Phát triển dựa trên lợi thế
Với những tiềm năng lớn về tự nhiên, tỉnh Trà Vinh có nhiều thuận lợi để phát triển con tôm. Theo thống kê, hàng năm, sản lượng tôm nuôi trung bình của tỉnh đạt 75.000 tấn/năm, bao gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Sản phẩm tôm của tỉnh rất được ưa chuộng, trong đó, tôm khô Vinh Kim vốn đã nức tiếng từ lâu.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 37.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản vùng ven biển. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ của tỉnh trên 25.000 ha, sản lượng bình quân mỗi năm đạt khoảng 65.000 tấn.
Trà Vinh có nhiều tiềm năng về tự nhiên để phát triển ngành tôm. Ảnh minh họa
Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt và giao Sở NN&PTNT cùng ngành liên quan, các địa phương triển khai thực hiện phương án phát triển bền vững, đạt giá trị cao với ngành chế biến và nuôi tôm nước mặn, lợ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh thực thi đồng bộ giải pháp để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào ngành nghề chế biến, nuôi trồng ứng dụng khoa học, công nghệ cao; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, người lao động; tạo động lực, mạnh mẽ để phát triển vùng kinh tế ven biển.
Mục tiêu đến năm 2025, phát triển vùng nuôi tôm nước mặn, lợ ổn định 34.250 ha, tổng sản lượng khoảng 172.000 tấn/năm. Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng dự án và vận hành 3 mô hình nuôi tôm điển hình, gồm: khu nuôi tôm công nghệ cao 360 ha; tôm – lúa đạt chứng nhận hữu cơ quy mô 750 ha; tôm – rừng đạt chứng nhận sinh thái 678 ha; xây dựng ít nhất 1 nhà máy chế biến tôm công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm để cải thiện năng lực chế biến tôm tại chỗ.
Đến năm 2030, tỉnh vẫn duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ ở mức 34.250 ha, nhưng tập trung phát triển các tiểu vùng nuôi thâm canh mật độ cao đạt diện tích khoảng 3.600 ha; nuôi thâm canh diện tích 18.800 ha; tôm – lúa diện tích 4.700 ha; tôm – rừng diện tích khoảng 7.100 ha; với tổng sản lượng tôm nuôi đạt trên 286.000 nghìn tấn/năm.
Mở rộng đường bơi cho tôm
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Trà Vinh có đầy đủ “vốn” để phát triển những mô hình nuôi mới, tạo lợi thế riêng trong phát triển, và mô hình tôm – lúa hay tôm – rừng tại đây rất được chú trọng.
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân ở các huyện vùng ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải, tiếp tục phát triển và giữ vững mô hình sản xuất rừng – tôm, với diện tích khoảng 5.700 ha. Đây là mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Theo ông Huỳnh Văn Phong (xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải), nếu so sánh về hiệu quả giữa nuôi tôm thâm canh và mô hình rừng – tôm, tỷ lệ lợi nhuận rừng – tôm đạt 90 – 95%, còn nuôi tôm thâm canh mật độ cao đạt khoảng 30%.
Ngoài ra, nhiều năm nay nông dân trong tỉnh còn phát triển mô hình lúa – tôm càng xanh tại các vùng nước lợ với diện tích hơn 5.600 ha. Bình quân, 1 ha sản xuất lúa – tôm càng xanh, nông dân có lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm…
Để nâng cao danh tiếng con tôm Trà Vinh, giúp tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” với thời gian sử dụng 10 năm, do Sở NN&PTNT làm chủ sở hữu.
Các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” bao gồm: Tôm sú đông lạnh; tôm thẻ chân trắng đông lạnh; tôm càng xanh đông lạnh; tôm khô; tôm sú giống; tôm thẻ chân trắng giống; tôm càng xanh giống; tôm (còn sống) cùng với dịch vụ mua bán, quảng cáo, quảng bá các sản phẩm tôm kể trên.
Theo đánh giá, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là hoạt động cần thiết và rất phổ biến của các doanh nghiệp, bảo hộ được sản phẩm trước các đối thủ cạnh tranh. Cùng đó, giúp quảng bá rộng rãi sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Đây là bước đi lớn để con tôm Trà Vinh mở rộng thị phần trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
>> Theo kế hoạch, năm 2023, diện tích thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng của tỉnh Trà Vinh đạt diện tích khoảng 28.000 ha, tăng hơn 180 ha so với năm 2022.
Bảo Hân
Bình luận gần đây