Điều kiện lao động tại các cơ sở nuôi cá basa vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
Nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực trạng điều kiện lao động (ĐKLĐ) của người lao động (NLĐ) trong một số doanh nghiệp nuôi cá basa vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động tại các cơ sở. Các doanh nghiệp nuôi cá basa trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển một cách mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất này cũng đem lại nhiều rủi ro về sức khỏe cho NLĐ, do điều kiện lao động còn tiềm ẩn nhiều mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe và có khả năng gây tai nạn lao động như: nhiệt độ, tiếng ồn, bức xạ, các máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động… Nghiên cứu này sử dụng phương pháp đo đạc các thông số của môi trường lao động (MTLĐ) và khảo sát điều kiện an toàn lao động tại 5 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở 5 doanh nghiệp nuôi cá basa.
Kết quả đo đạc MTLĐ cho thấy, các thông số về vi khí hậu đều đạt tiêu chuẩn trừ nhiệt độ và cường độ bức xạ nhiệt, do điều kiện thời tiết khu vực nắng nóng; thông số về bụi, bụi hô hấp và hơi khí độc đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Điều kiện an toàn lao động cho thấy còn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động do nơi làm việc trơn trượt, máy móc thiết bị không đảm bảo an toàn.
-
Giới thiệu
Nhiều năm qua sự phát triển mạnh mẽ ngành nuôi trồng thủy sản đã giúp Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trong những vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của nước ta. Đây cũng là một thế mạnh kinh tế đặc biệt của vùng đất này.
Tuy nhiên, do ngành nghề này phát triển mạnh nên thu hút nhiều nguồn lao động và việc kiểm soát điều kiện lao động trong ngành nghề này trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Điều kiện lao động của ngành nuôi trồng thủy sản chủ yếu thuộc nhóm lao động thủ công nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
NLĐ trong ngành thường xuyên phải làm việc ngoài trời, nắng nóng, mưa nhiều, đồng thời phải tiếp xúc, ngâm mình trong môi trường nước (ngọt, mặn, lợ) trong thời gian dài. Tư thế lao động đa số là bốc vác thủ công, làm việc trong điều kiện ẩm ướt dễ trơn trượt, té ngã. NLĐ phải sử dụng điện và các thiết bị điện không đảm bảo an toàn trong điều kiện ẩm ướt, có nguy cơ bị tai nạn điện cao.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện cả nước có thị trường nuôi trồng thủy sản nước ngọt với hơn 4 triệu lao động. Vì vậy, ảnh hưởng của điều kiện lao động đến NLĐ ngành nuôi trồng thủy sản đã được thực hiện tại các cơ sở nuôi cá basa tại 5 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
-
Phương pháp và phạm vi nghiên cứu
2.1. Phương pháp đo đạc
– Quan trắc nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ nhiệt theo quy định tại QCVN 26:2016/BYT;
– Quan trắc Chiếu sáng theo quy định tại QCVN 22:2016/BYT; – Quan trắc Tiếng ồn theo quy định tại QCVN 24:2016/BYT;
– Quan trắc, lấy mẫu phân tích Bụi theo QCVN 02:2019/BYT;
– Lấy mẫu và phân tích CO2 theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 13;
– Lấy mẫu và phân tích NO2 theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 37;
– Lấy mẫu và phân tích CO theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 14;
– Lấy mẫu và phân tích NH3 theo QCVN 03:2019/BYT – Phụ lục 5.
2.2. Thiết bị đo
– Đo vi khí hậu bằng máy Testo 425 (GERMANY);
– Đo ánh sáng bằng máy hiện số EXTECH (USA);
– Đo tiếng ồn bằng máy hiện số RION – NL 42 (JAPAN);
– Bụi được lấy mẫu bằng máy SIBATA(JAPAN) và được xác định theo phương pháp đo bụi trọng lượng, cân phân tích Sartorius, độ nhạy 1×10- 5gr (Đức);
– Các hơi, khí được thu mẫu theo phương pháp hấp thụ bằng máy SIBATA, Model Σ30, Phân tích bằng phương pháp so màu, máy so màu Lambda 25 (singapore) và sắc ký khí GC-FID SHIMADZU 17A;
– Thực hiện quan trắc các yếu tố có hại đã được người sử dụng lao động ghi trong Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động bao gồm: Vi khí hậu, ánh sáng, tiếng ồn, bụi và hơi khí.
2.3. Các cơ sở tham gia nghiên cứu và cơ số mẫu
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát ĐKLĐ tại các cơ sở với số lượng mẫu như sau:
Số lượng mẫu quan trắc MTLĐ tại các cơ sở nuôi cá basa
-
Kết quả và bàn luận
3.1. Kết quả khảo sát điều kiện vệ sinh lao động
3.1.1. Kết quả đo đạc vi khí hậu
Thời gian đo đạc 3 lần trong ngày làm việc, Hình 1 cho thấy biểu đồ nhiệt độ trung bình đo đạc 3 lần trong ngày dao động từ 27,5oC đến 38,8oC, với giá trị trung bình khoảng 33,9 – 34,1oC. Kết quả đo đạc nhiệt độ có sự chênh lệch cao trong ngày lên đến hơn 10oC tại một số ngày đo đạc. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có nhiệt độ trung bình thấp nhất là 33,9oC, các tỉnh còn lại đều có nhiệt độ trung bình ở mức hơn 34oC.
Kết quả đo đạc nhiệt độ MTLĐ tại các cơ sở nuôi cá basa
Kết quả đo vi khí hậu môi trường lao động tại các cơ sở nuôi cá basa
Theo đó, có thể thấy rằng kết quả đo nhiệt độ môi trường lao động tại các cơ sở nuôi cá basa vượt ngưỡng cho phép là 32oC theo QCVN 26:2016/ BYT và điều này gây ra một số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe NLĐ như: sốc nhiệt, đau đầu và căng thẳng mệt mỏi khi làm việc ngoài ao nuôi.
Cường độ bức xạ nhiệt được đo đạc trung bình dao động từ 35 W/m2 đến 225 W/m2, với giá trị trung bình khoảng 50 – 19 W/m2. Theo biểu đồ Hình 1, thì tỉnh Đồng Tháp có bức xạ nhiệt trung bình cao nhất là 129 W/m2, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Long An có bức xạ nhiệt thấp hơn nằm ở khoảng 125,6 W/m2, nhưng đều cho thấy vượt tiêu chuẩn cho phép trong MTLĐ quy định tại QCVN 26:2016/BYT là 100 W/m2.
Khi làm việc dưới cường độ bức xạ vượt quá 100 W/m2, NLĐ có thể gặp các tác động tiêu cực lên sức khỏe. Điều này phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc làm việc ngoài trời và tình trạng sức khỏe của NLĐ. Các tác động của bức xạ nhiệt trực tiếp lên cơ thể có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như: Gây ra đau đớn, mỏi mệt và khó chịu; Tăng nguy cơ phát triển các vấn đề về sức khỏe, bao gồm ung thư da, ung thư hạch bạch huyết; Gây ra các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh, bao gồm đau đầu, mất ngủ, chóng mặt và suy nhược thần kinh; Gây ra các vấn đề liên quan đến hệ thống cơ và xương, bao gồm đau lưng, đau khớp và giảm sức mạnh cơ bắp.
Độ ẩm tại các cơ sở nuôi cá basa tại Đồng bằng sông Cửu Long theo đo đạc đều nằm trong ngưỡng cho phép dao động từ 55% – 72%, với giá trị trung bình khoảng 67,4% đều đạt tiêu chuẩn cho phép.
Đối với thông số về vận tốc gió, các cơ sở nuôi cá basa đều đạt mức dao động tương tự nhau và nằm trong khoảng từ từ 0,4 – 1,2 m/s, với giá trị trung bình khoảng 0,7 m/s, đều nằm trong mức cho phép từ 0,2 – 1,5 m/s theo quy định.
Đối với quy định của pháp luật về ánh sáng theo QCVN 22:2016/BYT thì ngưỡng ánh sáng cho phép trong ngành nghề này là trên 300 Lux. Theo kết quả đo đạc tại các cơ sở cá basa ở Đồng bằng sông Cửu Long, các thông số về ánh sáng tại đây đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Do tính chất công việc đa số là làm việc ngoài trời nên NLĐ sẽ không bị các ảnh hưởng do thiếu sáng khi làm việc trong môi trường này.
Nguồn tiếng ồn trong ngành nuôi cá basa chủ yếu từ các hệ thống máy bơm, máy thổi nước và phương tiện vận tải. Kết quả đo đạc về tiếng ồn ở các cơ sở được quan trắc thì có 100% các vị trí đều đạt tiêu chuẩn cho phép.
Kết quả đo cường độ chiếu sáng và độ ồn tại các cơ sở nuôi cá basa
3.1.3. Bụi và bụi hô hấp
Trong thực tế, nuôi cá basa không có quá nhiều nguy cơ phát sinh bụi, cũng như bụi hô hấp nếu như không có công việc phối trộn thức ăn cho cá. Do đó, kết quả quan trắc môi trường tại các cơ sở thể hiện rõ có nồng độ bụi đạt tiêu chuẩn cho phép. Kết quả đo đạc trung bình tại các khu vực phối trộn và công việc khác là bụi toàn phần dao động trong khoảng 0,42 – 4,12 mg/m3 và bụi hô hấp là 0,11 – 1,37 mg/m3 như biểu đồ Hình 3.
Kết quả đo nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp tại các cơ sở nuôi cá basa
3.1.4. Kết quả đo đạc các hơi khí độc
NLĐ trong ngành có nhiều rủi ro khi tiếp xúc với các loại khí độc hại như: H2S, NH3, NO2, CO, CO2, NH3 khi không ít đơn vị nuôi cá basa sử dụng hóa chất để xử lý ao hồ, nước và khói từ động cơ máy nổ sử dụng xăng dầu. Tuy nhiên, hầu hết các kết quả quan trắc về hơi khí độc tại các cơ sở nuôi cá basa tại địa phương này đều đạt tiêu chuẩn cho phép do nơi làm việc thông thoáng ngoài trời.
Kết quả đo nồng độ hơi khí độc tại các cơ sở nuôi cá basa
Đo đạc MTLĐ tại ao nuôi cá basa tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp
3.1.5. Thực trạng tư thế lao động
Công việc bốc vác chủ yếu là thủ công từ NLĐ có khả năng dẫn đến nguy cơ bệnh nghề nghiệp do tư thế lao động như bệnh cơ xương khớp nghề nghiệp. Tư thế bốc vác với tải trọng trung bình 10 – 30 kg, tư thế cúi gập và xoay vặn cột sống là phổ biến (Hình 6).
Tư thế bốc vác thủ công tại cơ sở nuôi cá basa
3.2. Kết quả khảo sát điều kiện an toàn lao động
3.2.1. Thực trạng an toàn điện và máy móc thiết bị
Xe cơ giới di chuyển thức ăn là xe cơ giới tự chế có nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình di chuyển, và bốc vác thức ăn cá lên xuống xe. Thiết bị động cơ là động cơ đốt trong tự chế có nguy cơ gây tai nạn cuốn kẹp với các bộ phận chuyền động. Bộ phận truyền động ở các khớp nối không có thiết bị bao che. Thiết bị động cơ là động cơ đốt trong tự chế có nguy cơ gây tai nạn cuốn kẹp với các bộ phận chuyền động.
Hình ảnh mối nguy mất ATLĐ do máy móc, thiết bị và xe tự chế tại các cơ sở nuôi cá basa
Aptomat được đấu nối tạm có nguy cơ bị điện giật khi tiếp xúc. Vị trí đấu nối điện 3 pha đang sai phạm do sử dụng dây dấu sai có thể dẫn đến nguy cơ chạm chập, rò điện cháy nổ, hư hỏng thiết bị. Chưa có hệ thống nối đất từ trạm hạ áp dẫn đến toàn bộ thiết bị chưa nối đất, nguy cơ điện giật do rò điện cao.
3.2.2. Thực trạng an toàn công việc bốc vác thủ công
Khu vực để vật liệu cho cá ăn là bè tự chế không có thiết bị bảo vệ rơi xuống ao, không có mái che cho người lao động để hạng chế bức xạ nhiệt. Người lao động thực hiện việc cho cá ăn thủ công và vị trí ở mép rìa của bè do đó có nguy cơ rơi xống nước. Chưa có lắp đặt các biển báo an toàn, nội quy, quy trình làm việc.
Hình ảnh hệ thống cung cấp điện và thiết bị sử dụng điện mất an toàn tại các co sở nuôi cá basa
Hình ảnh nguy cơ té ngã do bốc vác và cho cá ăn trên bè tự chế tại các cơ sở nuôi cá basa
-
Kết luận
Nghiên cứu đã khảo sát, đo đạc, đánh giá điều kiện vệ sinh lao động và an toàn lao động tại các cơ sở nuôi cá ba sa thuộc 5 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy, đa số các thông số của các vị trí đều đạt tiêu chuẩn cho phép trừ thông số về nhiệt độ và cường độ bức xạ nhiệt còn tồn tại nhiều vị trí vượt tiêu chuẩn về vi khí hậu nơi làm việc do điều kiện làm việc ngoài trời ảnh hưởng bởi thời tiết khu vực. Do vậy, cần giám sát thường xuyên để cải thiện điều kiện môi trường lao động và bổ sung các biện pháp bảo vệ sức khỏe NLĐ như thời giờ làm việc nghỉ ngơi phù hợp, phương tiện bảo vệ cá nhân chống nóng và bức xạ mặt trời. Tư thế bốc vác thủ công các bao thức ăn cho cá bất lợi, cúi vặn cột sống nhiều có khả năng gây ra bệnh về cơ xương khớp. Điều kiện an toàn lao động cho thấy còn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động cho NLĐ, do bốc vác thủ công có thể gây chấn thương và hệ thống điện và thiết bị bị sử dụng điện chưa đảm bảo an toàn trong điều kiện làm việc ẩm ướt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ y tế (2016) – QCVN 26:2016/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi khí hậu – giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc
[2] Bộ y tế (2016) – QCVN 22:2016/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vế chiếu sáng – mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc
[3] Bộ y tế (2016) – QCVN 24:2016/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc
[4] Bộ y tế (2019) – QCVN 02:2019/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi – giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc
[5] Bộ y tế (2019) – QCVN 03:2019/BYT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của 50 yếu tố hóa học tại nơi làm việc.
CN Trần Minh Thông
Phân viện KH ATVSLĐ và BVMT miền Nam
(email: tranminhthong85@gmail.com)
ThS Đỗ Việt Đức
Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Hà Nội, Việt Nam (email: dovietduc @gmail.com)
TS Mai Thị Thu Thảo
Khoa Kỹ thuật an toàn, Trường Công nghệ Văn Lang,
Trường ĐH Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
(email: thao.mtt@vlu.edu.vn)
Bình luận gần đây