Điểm sáng xuất khẩu
Các thị trường trọng điểm
Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6/2020 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10; sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%. Đến hết 11 tháng/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2019. Do tình hình dịch COVID-19 vẫn căng thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào sản phẩm TTCT size cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ. Vì vậy, xuất khẩu TTCT chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu tôm năm 2020, ước kim ngạch gần 3 tỷ USD; trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển là 462 triệu USD, chiếm 12%. Các sản phẩm TTCT chế biến và tôm sú chế biến tăng lần lượt 14% và 24% trong khi các sản phẩm TTCT và tôm sú sống/tươi/đông lạnh đều giảm.
Năm 2020, có 4 thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ghi nhận 11 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm tăng trưởng ổn định tại thị trường Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Anh, Canada và Australia; xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng dương nhưng cũng có những tháng sụt giảm. Năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam đã tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên giao thương thủy sản do đại dịch COVID-19, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với từng phân khúc khác nhau nên đã vượt qua đại dịch, đạt được những kết quả khả quan.
Mỹ
Dù là tâm dịch COVID-19 của thế giới nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong tất cả các tháng của 11 tháng đầu năm 2020; mang về tổng kim ngạch đạt 803,5 triệu USD, tăng 34% so cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2020. Nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam tháng 11/2020 tăng mạnh so tháng 11/2019, đạt 7.111 tấn, trị giá 74 triệu USD, tăng 72,3% về lượng và tăng 83,2% về trị giá. Tỷ trọng nhập khẩu tôm theo lượng từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 6,1% trong tháng 11/2019, lên 10,5% trong tháng 11/2020.
Mỹ vốn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%; mặc dù năm qua, nhu cầu giảm ở phân khúc du lịch thực phẩm nhưng nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ nói chung vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.
Nhật Bản
2020 được đánh giá là năm thứ hai kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp. GDP thực tế Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4. Căng thẳng thương mại với Hàn Quốc, diễn biến chính trị tại Mỹ tiếp tục tác động đến kinh tế Nhật Bản. Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng sớm nhất bởi dịch COVID-19 nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này cũng phần nào chịu tác động. Trong 5 năm trở lại đây, nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng đều đặn, như tôm chiếm trên 25% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này tại Nhật và đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt 550 triệu USD, giảm 3,1% so cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm; tuy vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới thị trường này trong những tháng năm 2021 sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn.
EU
EU giữ vững vị trí thứ hai (sau Mỹ) trong các thị trường của xuất khẩu tôm Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2019, mặt hàng tôm Việt Nam sang EU giai đoạn này tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 472 triệu USD, tăng 5,6% cùng kỳ 2019 và dự kiến cả năm 2020 đạt hơn 527 triệu USD.
Đặc biệt với việc thực thi hết sức hiệu quả Hiệp định EVFTA từ tháng 8/2020 đến nay có nhiều lô hàng thủy sản được xuất khẩu sang EU trong đó là hơn 160 tấn tôm của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hay hàng trăm tấn tôm của Công ty Thông Thuận… Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU như áp dụng mã số vùng nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn ASC, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình…
Trung Quốc
Sau khi tăng trưởng 2 con số trong tháng 9 và tháng 10, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 11 lại giảm 21%, đạt 42,8 triệu USD; lũy kế 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 390,3 triệu USD, giảm 2,7% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2020, Trung Quốc chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ tôm nội địa của nước này giảm, nguồn cung tôm trong nước tăng, cộng với sự lo ngại virus corona có liên quan đến một số sản phẩm thủy sản nhập khẩu cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nhập khẩu tôm.
Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, sản phẩm tôm nói riêng sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2021 sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ so cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng đầu năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.
Mục tiêu cho năm 2021
Để đảm bảo nguyên liệu tôm đủ cho chế biến xuất khẩu, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đề xuất cần có giải pháp căn cơ để ngành tôm phát triển bền vững. Cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng, trong đó riêng sản lượng TTCT năm 2021 cần đạt 1 triệu tấn, để giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, trong quý I/2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Nga. Cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng tôm hùm sống và tôm khô đang có nhu cầu lớn nên các doanh nghiệp cần lưu ý đặc biệt đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc ở hai mặt hàng này.
SSI Research nhận định, các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ. Lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn chỉ 3 – 4 tháng và ước tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, một trong những kinh nghiệm được rút ra trong việc ứng phó với dịch COVID-19 là phải linh hoạt về thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Trước đây, doanh nghiệp đóng gói tôm đông lạnh với trọng lượng khoảng 5 – 10 kg/sản phẩm thì nay chỉ đóng từ 1 – 2 kg/sản phẩm để giúp người tiêu dùng thuận lợi trong chi trả nhất là với bối cảnh nhiều người đang phải tiết kiệm chi tiêu để chống dịch.
Hải Lý
Bình luận gần đây