Dịch bệnh hoành hành vườn cây ăn trái tại Đồng bằng sông Cửu Long
Cây ăn trái là thế mạnh về kinh tế của nhiều địa phương ở ĐBSCL, bởi hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa; nhất là gần đây xuất khẩu trái cây tăng mạnh cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, điều khiến nông dân lo lắng là tình trạng dịch bệnh tràn lan làm nhiều vườn cây bị chết la liệt, gây thiệt hại lớn. Phòng chống dịch bệnh đang là vấn đề bức bách đặt ra.
Dịch bệnh… lan rộng Các xã Vĩnh Thới, Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước (huyện Lai Vung) là nơi chuyên canh quýt đường và quýt hồng nổi tiếng ở tỉnh Đồng Tháp. Đây là loại cây cho hiệu quả kinh tế rất cao, giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Thế nhưng, dịch bệnh hoành hành làm cho nông dân mất ngủ.
>>> Lào Cai: Chuối chín vàng khắp nơi, dân không thèm thu hoạch
Ông Huỳnh Hữu Lộc, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung, than thở: “Gia đình tôi canh tác hơn 300 cây quýt đường được gần 7 năm. Đây là nguồn thu chính nuôi sống cả nhà. Từ đầu năm 2017 đến nay, vườn quýt xuất hiện bệnh vàng lá nên tôi mua thuốc về trị. Tuy nhiên, càng trị thì bệnh lây lan càng nhiều; đến nay có khoảng 1/3 diện tích vườn bị bệnh, coi như đốn bỏ”.
Đồng tâm trạng trên, ông Trần Hữu Tài, ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, bộc bạch: “Tôi canh tác 6 công cam xoàn được khoảng 4 năm tuổi, khi vườn cam đang cho trái thì gốc bị lột vỏ, thối vỏ, hư rễ… sau đó lá cây chuyển sang màu vàng và cây bắt đầu chết lai rai, dù điều trị nhiều cách, tốn kém chi phí vẫn không khỏi. Hầu hết vườn cây bị bệnh đều giảm năng suất và chất lượng trái bị ảnh hưởng”.
Tại Hậu Giang, nhiều nông dân làm vườn cũng điêu đứng vì dịch bệnh. Ông Lê Văn Lon, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, cho biết: “Nhà tôi có hơn 2.000 cây cam sành, mấy năm đầu vườn cam rất tươi tốt nhưng khi vào giai đoạn thu hoạch thì xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ… khiến gần 300 cây bị chết. Thời gian qua bản thân tôi và nhiều hộ khác rất vất vả vì dịch bệnh tàn phá tràn lan, nhưng chưa có cách phòng trị hiệu quả”. Ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng…, những nông dân canh tác vườn cũng ám ảnh với bệnh xuất hiện.
Ông Nguyễn Văn Chín, ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), thừa nhận: “Bà con ở đây rất chuộng cây cam sành, nhưng mối lo lớn nhất là bệnh vàng lá làm chết cây. Thời gian trước, dịch bệnh xuất hiện nhiều, sau đó ngành chức năng hỗ trợ phòng trị và tình hình có giảm; trong khi gần đây bệnh lại tái phát khiến nhiều hộ thua lỗ, phá bỏ vườn cam”.
Theo UBND xã Thông Hòa, toàn xã có hơn 1.000ha vườn cây ăn trái, trong đó cam sành chiếm hơn 50% diện tích. Vườn cây cho hiệu quả cao gấp mấy lần so với cây lúa, nhưng cái khó là dịch bệnh chưa khống chế được, nên nông dân chẳng an tâm canh tác. Rất khó phòng trị Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, bệnh thối rễ trên cây có múi xuất hiện và gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương như Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang…
Triệu chứng của bệnh là lá bị vàng xuất hiện trên một vài nhánh hoặc cả cây. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên trên lá già, sau đó đến các lá non. Đối với rễ thì dễ bị thối, tuột vỏ, làm mất khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ. Dịch bệnh này do nhiều tác nhân gây ra, trong đó có nguồn gốc phát sinh từ đất, quá trình chăm sóc, sử dụng phân thuốc, cây giống không đảm bảo…
Ông Lưu Văn Tín, Giám đốc hợp tác xã Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cho rằng: “Gần đây, không chỉ vườn quýt hồng mà nhiều vườn quýt đường cũng bị bệnh vàng lá, thối rễ. Đây là loại bệnh có xu hướng lan rộng, gây thiệt hại lớn cho nông dân; vì vậy rất mong các nhà khoa học, ngành chức năng hỗ trợ giải pháp. Hiện tại, ngoài một số yếu tố khác thì nông dân nghi ngờ sử dụng nhầm phân thuốc kém chất lượng nên bệnh không giảm, mà còn tăng thêm”.
Trước tình hình trên, các ngành chức năng huyện Lai Vung đã cậy nhờ các nhà khoa học giúp sức. Qua khảo sát thực tế, các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ nhận định: “Đa phần cây có múi thường bị bệnh vàng lá thối rễ. Đây không phải là bệnh mới, mà đã xuất hiện từ những năm trước. Sau đó, các nhà khoa học đã hướng dẫn nông dân biện pháp dập được dịch và tình hình có giảm nhiều; tuy nhiên nay đột nhiên bùng phát trở lại. Do đó, cần phải thực hiện cuộc điều tra mới biết được nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát lần này”.
Trước mắt, các nhà khoa học đề nghị nông dân áp dụng quy trình phòng trị bệnh vàng lá thối rễ, cần sử dụng hóa chất tiêu diệt nấm salizum, làm cho vườn thông thoáng, nhất là trong mùa mưa, vì mưa dầm sẽ úng rễ; bên cạnh đó, hạn chế bón phân đạm, tăng cường bón kali để giúp cây tăng sức đề kháng; cắt bỏ bớt trái nhằm tập trung dưỡng cây…
Theo tìm hiểu của PV SGGP trong lúc các ngành chức năng nỗ lực tìm giải pháp phòng chống dịch bệnh thì xuất hiện một số người tự xưng là của các công ty sản xuất hóa chất, kinh doanh vật tư nông nghiệp… quảng cáo có khả năng trị hết bệnh vàng lá bằng phương pháp chích thuốc vào cây. Không ít nông dân ở Hậu Giang, Cần Thơ… nghe theo cách này.
Ông Lê Văn Hồng, canh tác 10 công cam sành ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ), tiết lộ: “Họ chích thuốc thẳng vào cây bị bệnh, ban đầu lá rụng hết, nhưng sau đó cây ra đọt non trở lại và cho trái. Tuy nhiên, cũng có nhiều cây cam bị chết luôn sau khi tiêm thuốc…”. Nói về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hậu Giang hiện có gần 2.000ha vườn cây có múi bị bệnh vàng lá (nhiều nhất là cam sành), nên ngành chức năng và người dân rất lo. Song bệnh vàng lá vẫn chưa có thuốc đặc trị dứt điểm. Do đó, người dân không nên nghe theo lời quảng bá sản phẩm này, chế phẩm nọ… có thể chữa trị hết ngay căn bệnh vàng lá, từ đó làm theo dẫn đến tốn kém chi phí; chưa kể các hóa chất dùng để chích vào cây là kháng sinh không được phép sử dụng”.
Ông Thể cũng lưu ý, thời gian qua có một vài loại phân bón lá dùng để tưới, hoặc phun trên lá có thể giúp cho cây bị bệnh xanh trở lại trong thời gian ngắn. Thế rồi sau đó bệnh vẫn tái phát, chứ không khỏi hẳn được…
Theo tintucnongnghiep.com
Bình luận gần đây