Đi tìm cá tra, gặp Việt Nam – Kỳ I: Cuộc chiến cá tra

 

Brooke Warren

Sinh viên Khoa Báo ảnh, Đại học Western Washington, Mỹ; Biên tập viên ảnh Tạp chí Klipsun

Bình minh vừa rạng, chân trời phơn phớt màu chàm, vẫn còn quá sớm đối với người Mỹ, nhưng TP Hồ Chí Minh lại nhộn nhịp lạ lùng ngay cả khi mặt trời chưa mọc. Người người xuống đường tập thể dục trước khi ngày mới thực sự bắt đầu. Một số hàng điểm tâm bày bán trên lề đường và người ta uống cà phê trong ánh đèn nê ông mờ mờ hắt ra từ các cửa tiệm. Đây là ngày khảo sát độc lập đầu tiên của tôi ở Việt Nam với tư cách sinh viên nghiên cứu về cá da trơn và hệ thống thực phẩm ở Việt Nam cùng những cơ hội trao đổi văn hóa với người dân ở đất nước vốn xa lạ này.

“Cuộc chiến cá da trơn giữa Mỹ và Việt Nam” là cuộc xung đột thương mại trong việc nhập khẩu cá da trơn Việt Nam vào Mỹ. Người nuôi cá da trơn Mỹ lo ngại, sự cạnh tranh của cá da trơn giá rẻ từ Việt Nam sẽ bóp chết ngành cá da trơn nội địa. Theo đó, họ cho rằng cá da trơn nuôi ở Việt Nam không phải là cá da trơn; và họ đòi Quốc hội Mỹ buộc nông dân Việt Nam phải sử dụng một thuật ngữ khác. Nông dân Việt Nam bắt đầu chiến dịch kêu gọi sử dụng cá da trơn nuôi ở Việt Nam bằng tên tiếng Việt là cá tra, basa.

Trong khi tìm hiểu thương mại cá tra, tôi lại chú ý đến vấn đề lưu thông thực phẩm ở Việt Nam. Đồ ăn Việt Nam, nhất là món phở, vốn có tiếng ở Mỹ. Phần lớn người Mỹ biết Việt Nam trước tiên qua đồ ăn. Tôi muốn biết những thức ăn này được sản xuất, mua bán và tiêu thụ như thế nào ở Việt Nam? Tôi nhận thấy thức ăn thể hiện tính cách một dân tộc qua nhiều cách khác nhau. Chúng ta cần ăn để sống, nhưng mỗi dân tộc hình thành những cách phân phối và tiêu thụ thức ăn khác nhau. Vì vậy tôi tìm hiểu Việt Nam bằng cách tìm hiểu ẩm thực Việt Nam, ngay trên đất nước Việt Nam. Công bằng mà nói, tôi cũng được ngon miệng.

Để tìm hiểu về ngành công nghiệp cá tra Việt Nam, trước tiên tôi thám hiểm những chợ truyền thống, chợ bán sỉ, siêu thị và một nhà máy sản xuất fillet cá đông lạnh. Ngoài ra, tôi còn chụp hình các bữa ăn, hỏi những người bạn Việt Nam về thói quen đi chợ và thăm viếng cảnh trí nông thôn ĐBSCL. Hầu như ngày nào tôi cũng đi chợ này chợ khác ở Việt Nam và ở đó chứng kiến việc vận chuyển thực phẩm. Có lẽ chỉ có mấy cái “chợ nông dân” ở Mỹ là có điểm tương đương chợ Việt Nam. Nông dân Mỹ đem sản phẩm của họ bán trực tiếp cho người tiêu dùng ở “chợ nông dân”, nhưng chợ kiểu này chỉ mở vào một số ngày và nói chung kiểu mua bán như thế không được coi là chính thống, không phải mạch chủ lưu của nền kinh tế Mỹ. Cho nên tôi thấy cảnh chợ họp mỗi ngày hầu như ở khắp các khu phố tại các thành phố lớn của Việt Nam thật là mới lạ.

Hải Băng

(lược dịch từ Brooklynwarren.wordpress.com)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *