Đến năm 2025, xuất khẩu tôm hùm đạt 200 triệu USD

Mục tiêu của Đề án là phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, đến năm 2025: thể tích lồng nuôi đạt khoảng 1,6 triệu m3, diện tích nuôi trong hệ thống trên bờ đạt 180 ha; tổng sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm (bao gồm cả xuất khẩu tại chỗ); Đảm bảo đủ nhu cầu về số lượng (khoảng 9 – 10 triệu con tôm giống) đảm bảo chất lượng, nguồn gốc; Áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải hải; Đảm bảo 100% các vùng nuôi tôm hùm tập trung và các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, bảo quản tôm hùm xuất khẩu được cấp mã số và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định thị trường tiêu thụ.

Đề án đặt ra 3 nhiệm vụ về giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, về giống sẽ quản lý khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn tôm hùm giống tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn giống tôm hùm nhập khẩu; Từng bước chủ động nguồn tôm hùm giống.

Về nuôi thương phẩm: Sẽ quản lý và kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm theo quy định, đồng thời rà soát, sắp xếp mật độ lồng nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị; Nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình nuôi bằng lồng tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở, nuôi trên bờ. Định hướng nuôi tôm hùm tại một số địa phương như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Sẽ tổ chức lại hệ thống thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm đảm bảo gắn kết chặt chẽ với vùng nuôi tôm hùm tập trung; Áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến và công nghệ mới vào thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản…; Xây dựng các kênh phân phối, tiêu thụ ổn định thị trường trong nước; duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng theo hướng chính ngạch…

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Đề án sẽ tập trung vào 5 giải pháp, như: về tổ chức và quản lý sản xuất; khoa học công nghệ và khuyến ngư; phòng trị bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; Vốn, đầu tư. 

Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị có liên quan để hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *