Để thủy sản Việt “chiếm sóng” thị trường Bắc Âu
Khi EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế được áp dụng thuế suất cơ bản từ 0 – 22%, trong đó phần lớn các loại thuế cao từ 6 – 22% sẽ giảm về 0% (khoảng 840 biểu thuế dòng). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ bản từ 5,5 – 26% sẽ giảm về 0% sau 3 – 7 năm. Đối với các sản phẩm cá ngừ và cá viên đóng hộp, hạn ngạch thuế quan của EU đối với Việt Nam là 11.500 tấn và 500 tấn tương ứng.
Tôm và fillet cá đông lạnh là hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia, so sánh với các nước khác xuất khẩu thủy sản vào EU, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tôm thẻ chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan và Ecuador không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%; hay Ấn Độ và Indonesia cũng không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%.
Thị phần cá tra Việt Nam tại Bắc Âu còn khá khiêm tốn. Ảnh: Shutterstock
Hiện nay, cá tra chi phối thị trường châu Âu và cá tra xuất hiện tại Bắc Âu chủ yếu có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng thị phần cá tra Việt Nam tại Bắc Âu khá khiêm tốn, chỉ 0,4% tại Thụy Điển, 0,9% tại Đan Mạch và 2,6% tại Na Uy. Lý giải nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, là do các doanh nghiệp Bắc Âu nhập khẩu cá tra Việt Nam chủ yếu thông qua trung gian từ các nước EU khác, lượng nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam không đáng kể. Ngoài ra, Bắc Âu là thị trường khó tính, với các quy định khắt khe cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết cơ hội do EVFTA. Thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào khu vực này chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế qua, hàng có giá trị cao còn ít nên chưa tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan do Hiệp định EVFTA mang lại…
Do đó, để thủy sản có thể thâm nhập tốt hơn tại thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho rằng, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn phải tuân thủ rất nhiều các quy định của thị trường, nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến thủy sản. Bên cạnh đó, cần đáp ứng các yêu cầu bổ sung như chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tuân thủ xã hội, chứng nhận bền vững, các yêu cầu đối với thị trường ngách. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý dán nhãn với thông tin chính xác. Ngoài ra, người tiêu dùng Bắc Âu cũng quan tâm đến nguồn gốc của thực phẩm, cách thức sản xuất và hành trình đến bàn ăn tiếp tục tăng lên.
>> Việt Nam là nhà sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu tôm sú lớn thứ hai sang châu Âu. Điều thuận lợi đối với tôm Việt Nam đó là rất nhiều tôm sú từ Việt Nam được đưa vào các siêu thị và chợ dịch vụ thực phẩm cao cấp của châu Âu. Nguyên nhân chính là do đã có một số lượng đáng kể các nhà sản xuất tôm sú được chứng nhận ASC ở Việt Nam. Tại các thị trường này, các nhà xuất khẩu của Việt Nam gặp rất ít hoặc không có sự cạnh tranh.
Vân Anh
Bình luận gần đây