Đề nghị đánh giá tương đương sản phẩm cá tra Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vừa qua, Nafiqad đã chính thức gửi công thư yêu cầu phía Mỹ khởi động quá trình đánh giá tương đương đối với hệ thống kiểm soát sản phẩm cá họ Siluriformes của Việt Nam. Nafiqad cũng đã có công thư gửi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ, chuyển hồ sơ tới FSIS.

Việc đề nghị đánh giá tương đương cho cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ được thực hiện theo Chương trình thanh tra cá và các sản phẩm cá da trơn do FSIS ban hành và có hiệu lực từ ngày kể từ ngày 01/3/2016.

Theo đó, việc đánh giá tương đương về hệ thống kiểm soát của một nước xuất khẩu của FSIS có 6 bước, gồm nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương; nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT – Self-Reporting Tool) và các hồ sơ kèm theo; FSIS yêu cầu bổ sung thông tin và FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ; thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu; thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý và cuối cùng là công nhận tương đương bằng một quy định chính thức.

Trước đó, để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị phía Mỹ đã cho Việt Nam thời gian chuyển tiếp 18 tháng, tức đến hết ngày 31/8/2017, để thực hiện các công việc có liên quan nhằm chứng minh sản phẩm cá da trơn Việt Nam được sản xuất, chế biến tương đương với hệ thống của Mỹ. Tính đến nay, Việt Nam đã có 62 nhà máy của các doanh nghiệp nghiệp được FSIS đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sản phẩm cá họ Siluriformes vào quốc gia này.

Được biết, bên cạnh áp dụng đối với Việt Nam, FSIS cũng yêu cầu một số quốc gia khác có xuất khẩu cá họ Siluriformes vào Mỹ thực hiện các phần việc tương tự như Việt Nam. Đến nay, ngoài Việt Nam, đã có 5 nước gồm Bangladesh, Guyana, Ấn Độ, Nigeria và Thái Lan đã gửi hồ sơ đề nghị FSIS đánh giá tương đương và tất cả đều đang ở bước đầu của quy trình đánh giá gồm 6 bước.

Nếu đề nghị công nhận tương đương cho cá da trơn Việt Nam của Nafiqad được FSIS được thông qua, thì hình ảnh và chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam ở thị trường Mỹ nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung sẽ thêm một lần nữa được khẳng định. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán dễ dàng hơn với đối tác nhập khẩu.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *