ĐBSCL: Đến năm 2030, xuất khẩu thủy sản toàn vùng đạt trên 9 tỷ USD

Mục tiêu trọng tâm

Đề án hướng đến mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng; nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào toàn chuỗi giá trị sản phẩm; đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng. 

Cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đạt trên 4%/năm; giá trị xuất khẩu đạt trên 9 tỷ USD (trong đó, giá trị xuất khẩu tôm nước lợ và cá tra đạt trên 80% giá trị xuất khẩu của vùng); diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 990.000 ha (nuôi nước mặn, lợ 740.000 ha, nuôi nước ngọt 150.000 ha và 1.260.000 m3 nuôi lồng trên sông). Trong đó: tôm nước lợ đạt 720.000 ha (tôm rừng 50.000 ha, tôm lúa 250.000 ha, tôm thẻ chân trắng 90.000 – 95.000 ha); cá tra đạt 7.447 ha; tôm càng xanh đạt 50.000 ha; cá rô phi đạt 6.350 ha và 1.260.000 m3 lồng bè (nuôi cá rô phi nước lợ theo hình thức kết hợp với tôm nước lợ và nuôi luân canh đạt 4.390 ha).

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 4.800.000 tấn. Trong đó, tôm nước lợ đạt trên 1.200.000 tấn; cá tra đạt khoảng 2.000.000 tấn; tôm càng xanh đạt trên 80.000 tấn; cá rô phi trên 175.000 tấn; nhuyễn thể đạt trên 250.000 tấn và các loài thuỷ sản khác đạt khoảng 1.100.000 tấn.

Đến năm 2030, diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL đạt 7.447 ha. Ảnh: vneconomy.vn

Cùng đó, 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được kiểm soát môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm; giảm tỷ lệ diện tích thiệt hại do một số bệnh nguy hiểm gây ra trên tôm nuôi nước lợ xuống dưới 10%/năm và cá tra dưới 8%/năm; Diện tích và sản lượng được sản xuất theo mô hình hợp tác và liên kết chuỗi đạt trên 30%; diện tích nuôi đạt một trong các chứng nhận GAP, hữu cơ và các chứng nhận chất lượng khác đạt trên 20%…

Tập trung 5 đối tượng chủ lực

Tôm nước lợ (tôm sú, tôm chân trắng) 

Đây vẫn là đối tượng nuôi chủ lực của toàn vùng và sẽ tiếp tục thực hiện Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ NN&PTNT ban hành Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030.

Trong đó, phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm – lúa ở khu vực ven biển, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ mới, quản lý tốt môi trường, dịch bệnh để nâng cao năng suất tôm nuôi. Còn với tôm chân trắng, phát triển theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, Đề án còn nhấn mạnh việc nâng cao tỷ lệ diện tích nuôi tôm nước lợ đạt một trong những chứng nhận GAP, ASC, nuôi hữu cơ… đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Cá tra

Sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Cùng đó, tập trung phát triển nuôi cá tra công nghiệp ven sông Tiền, sông Hậu và các khu vực có điều kiện thuận lợi để sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Nghiên cứu, áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, tiết kiệm nhiên liệu để bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao tỷ lệ diện tích, sản phẩm cá tra nuôi được chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng GAP, ASC, BAP… đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

Tôm càng xanh và giáp xác khác

Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định của Bộ NN&PTNT về Đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh.

Phát triển các hình thức nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững. Trong đó các tỉnh vùng thượng đồng bằng gồm An Giang, Đồng Tháp, Long An và một phần của Kiên Giang ưu tiên phát triển hình thức nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước hoặc nuôi tôm càng xanh – lúa xen canh. Các tỉnh vùng giữa gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và một phần của Tiền Giang ưu tiên phát triển tôm càng xanh – lúa xen canh, tôm càng xanh – mương vườn. Các tỉnh ven biển gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng…, vùng giáp ranh nước ngọt mặn lợ, ưu tiên phát triển nuôi tôm càng xanh – lúa luân canh, hướng đến xây dựng những vùng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Cùng đó, xây dựng, phát triển nuôi tôm càng xanh hữu cơ, sinh thái gắn với chứng nhận chất lượng tại các vùng nuôi tôm trọng điểm.

Ngoài ra, phát triển nuôi cua, ghẹ theo hướng chuyên canh, kết hợp với nuôi tôm, nhuyễn thể… để tạo sản phẩm lớn, giá trị cao, định hướng xuất khẩu.

Cá rô phi

Phát triển nuôi cá rô phi tập trung áp dụng công nghệ cao, có chứng nhận để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu.

Phát triển nuôi lồng bè trên sông và nuôi trong ao đầm nước lợ để trở thành vùng sản xuất cá rô phi trọng điểm của cả nước. Hình thành các vùng nuôi tập trung tại các vùng nước lợ theo hình thức nuôi chuyên canh, xen canh hoặc kết hợp tôm nước lợ (Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), tạo sản phẩm chất lượng cao, sản lượng lớn làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và cung cấp một phần cho tiêu dùng trong nước.

Nhuyễn thể

Phát triển nuôi nghêu ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; nuôi hàu ở Bến Tre và Cà Mau; nuôi sò huyết ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Ưu tiên phát triển các hình thức nuôi đạt chứng nhận (ASC, MSC, …) theo yêu cầu thị trường.

Ngoài ra, Đề án còn đặt ra những giải pháp khác về phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống và vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục nuôi phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hệ thống thủy lợi, hạ tầng vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và hạ tầng sản xuất giống. Cùng đó, là việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như đẩy mạnh công tác dự báo và phát triển thị trường, xúc tiến thương mại thông qua các chương trình, đề án đã được phê duyệt…

>> Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL cần nguồn vốn khoảng 3.400 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách là 1.000 tỷ đồng và vốn từ nguồn khác là 2.400 tỷ đồng.

Phạm Thu

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *