“Đầu tàu” tôm thẻ chân trắng
Nhu cầu tăng mạnh
Năm 2014, nguồn cung TTCT từ nhiều nước giảm mạnh, nên tại các thị trường nhập khẩu TTCT của Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam 19.646 tấn tôm, trị giá trị 205,3 triệu USD; tăng 50,2% khối lượng và 87,2% giá trị, với thị phần tăng 44%. Nhờ giải quyết được vấn đề dịch bệnh nên tôm Việt Nam đã chiếm lĩnh được thị trường “bị bỏ trống” sau dịch bệnh.
Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 2,94 tỷ USD, tăng 42% so cùng kỳ năm 2013. Dự báo các thị trường tiếp tục nhập khẩu TTCT và khả năng Việt Nam đạt tăng trưởng trong xuất khẩu tôm này trong thời gian tới là điều không làm ai ngạc nhiên.
Tuy vậy, tôm sú vẫn chiếm vị trí không thể xem nhẹ trong lòng người dân. Các hộ nuôi ở ĐBSCL cho biết họ không thực sự mặn mà nuôi TTCT lắm, do sự thiếu ổn định trong sản lượng. Ngoài việc đầu tư tốn kém thì khả năng dịch bệnh, rớt giá của TTCT khá cao. Kinh nghiệm cho thấy việc nuôi tôm sú ở khu vực này cho lợi nhuận ổn định do suất đầu tư thấp và ít dịch bệnh. Nhiều nông dân nuôi tôm quay lại với tôm sú trong năm 2014, dù sức hấp dẫn của TTCT khá lớn.
10 tháng, xuất khẩu TTCT đạt 1,9 tỷ USD – Ảnh: Vũ Mưa
Trong khi, tại các vùng nuôi mới, đặc biệt ở miền Trung, miền Bắc, TTCT đem lại một nguồn thu đáng kể. Ngoài điều kiện tự nhiên, cũng phải công nhận các doanh nghiệp và nông dân miền Trung và miền Bắc có trình độ và tập quán thâm canh cao, thích ứng nhanh với việc nuôi TTCT.
9 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu TTCT sang Mỹ đạt 609,7 triệu USD, tăng 66% so cùng kỳ 2013; tôm sú đạt 199,3 triệu USD, tăng 19,3%. Theo VASEP, năm nay diện tích nuôi TTCT lên đến 93.316 ha, sản lượng nuôi hơn 400.000 tấn, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Không chủ quan về giá
Theo các chuyên gia, khả năng thiếu hụt TTCT trên thị trường sẽ còn diễn ra trong một thời gian nữa; cần tranh thủ cơ hội này để mở rộng thị trường. Vào dịp đầu năm, thị trường sẽ tiếp tục nóng.
Phân tích của các công ty ngành tôm cho thấy, việc TTCT chiếm ưu thế trên thị trường đã được dự báo từ mấy năm trước. Khi các “đại gia” nông nghiệp (như Ấn Độ, Trung Quốc…) tập trung vào TTCT, ắt sẽ kéo theo việc mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh việc tiêu thụ.
Thông báo của Chính phủ mới đây, sản lượng tôm 9 tháng đầu năm 2014 đạt 449.400 tấn, tăng 18%. Hiện tượng chuyển từ nuôi tôm sú sang TTCT đang phổ biến. Diện tích tôm sú thu hoạch trong 9 tháng đầu năm 525.600 ha, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2013; sản lượng 192.000 tấn, giảm 3,9%. Trong khi đó diện tích thu hoạch TTCT 85.000 nghìn ha, tăng 68,9% so cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 246.900 tấn, tăng 44,9%.
Các tỉnh khu vực ĐBSCL đang chuyển mạnh sang nuôi TTCT, như: Sóc Trăng đạt 45.000 tấn, tăng 28,7%; Bến Tre 34.000 tấn, tăng 52,3%; Cà Mau 29.400 tấn, tăng 169%; Trà Vinh 17.000 tấn, tăng 208,9%; Bạc Liêu 15.400 tấn, tăng 165,5%.
Tuy vậy, bên cạnh việc tăng trưởng cả diện tích, sản lượng, kim ngạch, người nuôi vẫn còn băn khoăn về giá và cả về tính hiệu quả lâu dài. Nếu tôm sú phía Việt Nam chủ động về sản xuất và có thị trường truyền thống nên giá ổn định thì trong năm qua giá TTCT biến động nhiều, phụ thuộc sự phục hồi nguồn cung của các nước khác. Đây là vấn đề không nhỏ khi chuyển sang nuôi TTCT, vì nó kéo theo sự đầu tư và công nghệ hoàn toàn khác. Sự không ổn định về giá khiến người dân không dám mạnh dạn đầu tư vào TTCT.
Năm 2014, chỉ trong 7 tháng đầu năm, tôm sú đã 3 lần tăng giá, trong khi TTCT rớt giá mạnh.
Một kịch bản phát triển bền vững, đó là việc cân đối diện tích, sản lượng tôm sú và TTCT. Các nhà khoa học dự báo, sớm hay muộn thì các nước cũng sẽ giải quyết được vấn đề dịch bệnh trên TTCT và sản lượng thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi. Do đó, cần tiên liệu việc TTCT rớt giá. Theo đó, một dự báo kịp thời về diện tích và sản lượng phù hợp trong năm 2015 và thời gian tiếp theo sẽ là cần thiết để tránh việc phụ thuộc quá lớn vào TTCT với một thị trường vốn nằm ngoài sự kiểm soát của Việt Nam. Việc khuyến khích giữ ổn định diện tích và sản lượng tôm sú bản địa là cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn cần những chính sách giúp các doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu tôm sú cùng các trang trại, nông trại đang nuôi tôm sú giữ vững được vùng nuôi và thị trường truyền thống, cũng như mở rộng thị trường mới.
Bình luận gần đây