Đầu năm 2024: Xuất khẩu thủy sản bứt tốc
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản được mùa được giá
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với quý I/2023. Toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp xuất siêu 3,36 tỷ USD, tăng 96,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thắng lợi “giòn giã” trên mặt trận xuất khẩu nông nghiệp đầu năm có một phần nguyên nhân là các sản phẩm nông nghiệp toàn cầu tăng giá đáng kể. Giá gạo đạt 661 USD/ tấn, tăng 5%; cà phê đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%; cao su đạt 1.462 USD/tấn, tăng 5,1%; hạt tiêu đạt 4.153 USD/ tấn, tăng 35,6%.
Các thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam đều phục hồi mạnh mẽ. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 18,3%; Mỹ chiếm 19,9%, tăng 28,3% và Nhật Bản chiếm 7%, tăng 4,6%.
Riêng với ngành thủy sản, năm 2024 vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững lấy nuôi trồng thủy sản làm chủ lực với diện tích nuôi trồng đạt 1,3 triệu ha, sản lượng nuôi trồng hơn 5,6 triệu tấn (tăng 5% so với ước năm 2023). Bên cạnh đó là việc khai thác chế biến xuất khẩu sản phẩm khai thác từ tự nhiên theo phương châm bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Trong quý I/2024, theo đánh giá chung, giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản cao hơn so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp. Tuy vậy, xu hướng giá tăng là một tín hiệu lạc quan mà người nuôi trồng, xuất khẩu đều đặt kỳ vọng.
Nắm bắt thời cơ
Đầu năm 2024, thị trường xuất khẩu tôm thế giới có nhiều biến động bất ngờ. Trong đó đặc biệt là việc ngành tôm Ecuador và Ấn Độ gặp rất nhiều khó khăn do phát triển “quá nóng” – cung lớn hơn cầu, người nuôi thua lỗ, dịch bệnh hoành hành. Nhiều thị trường đã và đang xem xét lại việc nhập khẩu tôm từ 2 cường quốc trên. Đặc biệt, Trung Quốc đang siết chặt việc nhập khẩu tôm từ Ecuador do lo ngại vấn đề dư lượng kháng sinh.
Trong quý I/2024, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc cũng tăng gấp 11 lần và cua tăng gấp 7 lần so với quý I/2023.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 15% trong quý I/2024. Xuất khẩu cá ngừ trong quý I/2024 sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%, sang Mỹ tăng 30%. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng tăng 9% so với quý I/2023.
Ấn tượng thị trường Mỹ
Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I/2024 đã tăng 15%, xuất khẩu cá tra và cua ghẹ đều tăng mạnh từ 13 – 15%. Giá cá tra và giá tôm xuất khẩu sang Mỹ đều trên đà phục hồi.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát thuế chống bán phá lần thứ 19 (POR 19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Nhìn chung mức thuế chống bán phá giá POR19 đã giảm đáng kể so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR18 trước đó. Đồng thời, công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, theo đó mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại.
Việc xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ cũng góp phần kéo theo sự phục hồi của nhiều thị trường khác đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sau một thời gian chìm lắng vì suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh xung đột xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Nỗ lực đột phá
Xuất khẩu cua, ghẹ và giáp xác khác đạt cũng tăng trưởng cao gần 60% trong quý đầu năm. Xuất khẩu cua sang Nhật Bản đã tăng 23%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn tiếp đà tăng 16%. Tuy vậy, xuất khẩu tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý I/2024 ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Việc xuất khẩu tôm tăng mạnh tại các thị trường chính là yếu tố then chốt, hướng tới một năm xuất khẩu thành công. Kim ngạch tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 26%, Trung Quốc tăng hơn 140% trong 3 tháng đầu năm. Trong quý II/2024 và những tháng tiếp theo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến vẫn tăng trưởng tốt.
Yếu tố đảm bảo cho sự thành công đó là việc ngành tôm đã xuất khẩu được sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm tới 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Các sản phẩm tôm chế biến chất lượng cao của Việt Nam đã và đang chinh phục thị trường Nhật Bản, Mỹ và giờ đây là Trung Quốc với chất lượng sản phẩm vượt trội so với các đối thủ.
Hiện khó khăn nhất vẫn là ngành xuất khẩu cá tra. Tháng 2/2024, giá cá tra xuất khẩu trung bình tăng khoảng 4% lên 2,13 USD/kg và được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2024 nhờ nhu cầu gia tăng từ Mỹ và EU. Nhưng nhìn chung ngành cá tra vẫn gặp nhiều thử thách. Tháng 2/2024, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường hầu như sụt giảm 2 con số sau khi tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Tính đến ngày 15/3/2024, xuất khẩu cá tra đạt 329 triệu USD, giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2023.
Hy vọng sự phục hồi phát triển xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng sẽ giúp các doanh nghiệp, người nuôi cá tra có thêm nhiều động lực vượt khó. Đồng thời, ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá tra cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và những chính sách kịp thời để giúp bắt kịp tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2024.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT công bố, quý I/2024, xuất khẩu thủy sản thu về 1,86 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam.
Nguyễn Anh
Bình luận gần đây