Dấu ấn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm
Dấu ấn mô hình lót bạt đáy
Sự xuất hiện của con tôm thẻ chân trắng (TTCT) đã tạo nên một cuộc thay đổi lớn cả về mô hình, quy trình, trang thiết bị… Từ đây, mô hình nuôi TTCT lót bạt đáy được ra đời cùng với đó là việc thiết kế lại ao nuôi cho phù hợp hớn với đối tượng và mô hình nuôi mới này. Nếu như trước đây khi còn nuôi ao đất, tỷ lệ diện tích ao nuôi/ ao lắng được khuyến cáo là 70/30 hoặc 60/40, thì với mô hình nuôi lót bạt đáy, tỷ lệ này được rút ngắn lại chỉ còn 20/80, cao nhất cũng chỉ 25/75. Các ao nuôi cũng được thiết kế lại theo dạng hình tròn, ở giữa trũng để thuận tiện cho việc xiphong chất thải ra ngoài. Mô hình ao tròn này, còn được nâng cấp lên thành ao tròn nổi không sắt hoặc bê tông để thuận tiện cho việc chăm sóc, xử lý các tình huống phát sinh. Điểm đặc biệt của mô hình này là mật độ thả nuôi rất cao, từ 150 – 300 con/m2 và nuôi nhiều giai đoạn, nên năng suất tôm lúc thu hoạch từ 5 – 8 tấn/1.000 m2 ao nuôi là điều không khó.
Hệ thống xiphong tự động 24/24 được khách hàng của C.P. Việt Nam áp dụng rất hiệu quả giúp tiết kiệm chi phí xử lý nước và nhân công
Nhiều phương thức cải tiến
Hiện nay, các biến thể của mô hình ao bạt đáy xuất hiện khá nhiều mà mục đích chính là để phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng, cách nuôi và nhất là những biến đổi trong tình hình mới. Vẫn là ao lót bạt đáy, nhưng xu hướng gần đây được nhiều người nuôi chuộng hơn là ao lớn hơn (2.500 – 3.000 m2), sâu hơn (2-3m) để có thể nuôi với mật độ cao hơn. Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, người phụ trách chính 2 vùng nuôi với tổng diện tích lến đến 550 ha của Sao Ta, giải thích: “Ao sâu hơn có thể thả nuôi mật độ cao hơn, vì lúc này, mật độ được tính theo m3 chứ không còn m2 nữa. Hơn nữa, ao sâu hơn cũng giúp cho con tôm bơi lội thoải mái hơn, có nơi trú ẩn an toàn, không bị sốc mỗi khi có sự biến động của thời tiết, hay môi trường”.
Hệ thống biogas giúp xử lý triệt để chất thải trong nuôi tôm, giảm ô nhiễm môi trường
Nói như thế không có nghĩa là hình thức nuôi tôm ao đất đã bị loại bỏ hoàn toàn, mà hiện vẫn còn trên 70% diện tích nuôi theo mô hình này. Tuy nhiên, những mô hình ao đất giờ hầu hết không còn nuôi theo cách truyền thống mà đều có sự hiện diện của các tiến bộ kỹ thuật, kể cả nuôi tôm sú hay TTCT. Một trong những cải tiến đáng kể, mang lại hiệu quả của mô hình ao đất không thể không kể đến mô hình ao đất đáy lưới, bạt bờ. Mô hình này xuất hiện từ cuối năm 2016 tại 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, nhưng do cùng thời điểm này, mô hình lót bạt đáy đang có sự thành công lớn nên mô hình đáy lưới, bạt bờ cũng dần bị quên lãng. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trước sức ép từ giá thành tôm nuôi, nên nhiều hộ nuôi tôm khu vực ĐBSCL đã quay lại với mô hình này nhờ lợi thế chi phí đầu tư thấp, nhưng năng suất vẫn đạt khá cao. Điển hình như trường hợp của ông Lê Ngọc Ân ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, hay anh Đoàn Y Khoa, Đỗ Minh Kha, Trương Rô Sa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng… đều liên tiếp có được những vụ nuôi thành công từ phương thức sản xuất này.
Mô hình nuôi TTCT lót bạt đáy chỉ sử dụng quạt và vi sinh tự sản xuất của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta luôn có được thành công trong hơn 10 năm qua
Nguồn nước và công nghệ vi sinh
Sau con giống, môi trường nước được xác định là yếu tố quan trọng thứ hai đối với người nuôi tôm. Xử lý nước ở đây không chỉ là ở giai đoạn nước cấp từ bên ngoài vào ao nuôi, mà còn cả nguồn nước trong ao nuôi trong suốt quá trình nuôi. Bởi nói như ông Lê Văn Quang, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nếu như nguồn nước không tốt thì dù có thả con giống khỏe mạnh, sạch bệnh thì con tôm cũng rất khó sống, chứ nói chi đến tăng trọng. Cũng chính từ tầm quan trọng của nguồn nước, nên các mô hình nuôi TTCT lót bạt luôn dành một tỷ lệ lớn diện tích để làm ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng. Công nghệ xử lý nước hiện cũng rất đa dạng, như: công nghệ xử lý nước nhanh của C.P. Việt Nam, công nghệ xử lý nước không sử dụng Chlorine của Minh Phú… cùng các cải tiến khác tùy theo đặc điểm nguồn nước và mô hình nuôi.
Điểm tiến bộ lớn trong quy trình xử lý, đảm bảo cho nguồn nước ao nuôi luôn được trong sạch là ngoài việc xiphong chất thải ra bên ngoài, hầu hết các mô hình hiện tại đều sử dụng chế phẩm vi sinh để vừa gây màu nước phù hợp, vừa xử lý một phần chất cặn bã trong ao, vừa để ức chế một số vi sinh vật gây bệnh cho tôm mà không cần phải sử dụng đến kháng sinh, hay các hóa chất khác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho đầu ra của tôm nuôi. Hiện có nhiều trại nuôi lớn đã tự phân lập, nuôi cấy và nhân sinh khối vi sinh để phục vụ ngay tại trại nuôi, như: Sao Ta, Vinacleanfood, Minh Phú…
Công nghệ tạo ôxy và xử lý nước thải
Không chỉ có tiến bộ trong xử lý nước cấp ao nuôi, mà vấn đề xử lý nước thải, chất thải trong quá trình nuôi tôm cũng được người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào để đảm bảo nguồn thải ra không làm ô nhiễm môi trường hay tác động đến đời sống của những loài thủy sinh khác. Các công nghệ nuôi tuần hoàn nước, tái sử dụng nguồn nước cũ đã qua lắng, lọc, bổ sung vi sinh… đểnuôi vụ tiếp theo được hầu hết người nuôi ao lót bạt áp dụng. Hiện nay, hầu hết những hộ nuôi ao lót bạt đáy đều xem nguồn nước nuôi từ vụ trước là tài nguyên, là đầu vào của vụ nuôi tiếp theo; nên có nhiều trang trại, mỗi năm chỉ cần lấy nước vào một lần để sử dụng cho cả năm vừa tiết kiệm nguồn nước, vừa giảm xả thải ra môi trường. Riêng đối với chất thải, bên cạnh việc xử lý bằng hầm biogas, hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã nghiên cứu chế tạo thành công máy ép phân tôm để đưa vào ủ làm phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.
Mật độ tôm nuôi ngày càng được nâng lên đòi hỏi lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi cũng lớn, ao nuôi phải luôn sạch để giúp tôm lớn nhanh và hạn chế sự xuất hiện của dịch bệnh. Từ đây, hệ thống quạt tạo ôxy và dòng chảy để gom chất thải về một điểm theo ý muốn được ra đời. Chỉ riêng khâu tạo ôxy và dòng chảy này thôi hiện cũng rất đa dạng, như: chỉ sử dụng quạt, sử dụng quạt kết hợp với ôxy đáy, sử dụng quạt kết hợp với hệ thống tạo ôxy nanobuble giai đoạn ương tôm… Bên cạnh những tiến bộ trong tạo dòng chảy và ôxy hòa tan, việc thu gom, đưa chất thải ra khỏi ao nhanh chóng bằng hệ thống xiphong đáy cũng được người nuôi áp dụng cho dù là ao lọt đáy, ao đất, hay ao đất đáy lưới, bạt bờ giúp đảm bảo ao nuôi nuôi sạch. Gần đây, việc xiphong chất thải cũng được cải tiến theo hướng tự động hóa 24/24 giờ, giúp người nuôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí về nhân công, thay nước… giữ cho ao nuôi luôn trong trạng thái trong sạch.
An Xuyên
Bình luận gần đây