Đan Mạch – hình mẫu nuôi trồng thủy sản bền vững
Chính sách phát triển NTTS
Đan Mạch là nước xuất khẩu cá đứng thứ năm thế giới và có 20.000 lao động làm việc trong ngành thủy sản. Trong khi đó, ngành thủy sản chỉ chiếm 0,5% cơ cấu thành phần kinh tế nước này (Theo Worlfishing & Aquaculture). Đối tượng nuôi chính là cá hồi vân, cá chình, nhuyễn thể. Đan Mạch được xem là nước tiên phong ở châu Âu về nuôi cá hồi với hệ thống tuần hoàn mang lại hiệu quả và thân thiện môi trường.
Đạt được những thành tựu này là do Chính phủ Đan Mạch đã tập trung đầu tư cho công nghệ và tập trung tìm giải pháp nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững ngay từ đầu. Theo FAO Đan Mạch đã giải quyết vấn đề môi trường bằng cách đầu tư phát triển hệ thống NTTS tuần hoàn thân thiện từ năm 1987. Tất cả các trang trại nuôi cá của Đan Mạch phải có phê duyệt chính thức theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Công nghệ nuôi tuần hoàn được Đan Mạch áp dụng rộng rãi – Ảnh: akvagroup
Các nhiệm vụ, chức năng về bảo vệ môi trường, nghiên cứu ứng dụng liên quan NTTS và các nhiệm vụ quản lý toàn bộ hoạt động an toàn thực phẩm (ATTP) từ trang trại đến bàn ăn đều được phân rõ trách nhiệm cho các bộ phận quản lý trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Đan Mạch). Đan Mạch cũng đã tiến hành đánh giá nguy cơ đối với hầu hết các sản phẩm thủy sản và giám sát các mức độ nguy cơ khác nhau trong vấn đề sản phẩm ATTP thủy sản. Đan Mạch đặt ra mục tiêu cho chiến lược tiếp tục hướng tới NTTS bền vững bằng việc tiếp tục giảm lượng khí thải carbon, đến năm 2020 từ các khu vực NTTS phải giảm được 25% cho mỗi tấn cá. Hệ thống nuôi tuần hoàn trở nên hấp dẫn thu hút đầu tư khi các nhà máy và nhà đầu tư đang phải đối mặt những hạn chế để giảm tiêu thụ và khí thải từ các trang trại của các quốc gia đang phát triển thủy sản.
Công nghệ nuôi tuần hoàn
Nói đến thành công của NTTS Đan Mạch, không thể không nhắc tới công nghệ nuôi tuần hoàn (Recirculating aquaculture system (RAS)). Hệ thống tuần hoàn là hệ thống nuôi khép kín ít thay nước hoặc không thay nước. Nước thải trong hệ thống RAS từ bể nuôi được thải ra và làm sạch trở lại, được tái sử dụng liên tục và ổn định chất lượng bằng cơ chế sinh học, lý học.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống RAS
Hệ thống RAS thường được ứng dụng rộng rãi cho các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá chình… với năng suất 100 – 300 kg/m3, tỷ lệ thay nước khoảng 15%/ngày và tiêu thụ nước 75 – 150 lít/kg tùy thuộc các loài cá và yêu cầu bảo đảm an toàn sinh học. RAS được nghiên cứu và ứng dụng cho các loài cá nuôi từ thập niên 1980 đến nay. Nó mang lại nhiều lợi ích hơn so với hệ thống nuôi thông thường như: hiệu suất sử dụng nước tăng đáng kể đồng nghĩa tái sử dụng nước triệt để. Năng suất vật nuôi cao hơn nhiều so với nuôi thông thường. Sử dụng không gian cho sản xuất thấp hơn nhiều so với hệ thống nuôi khác. An toàn sinh học cao trong hệ thống. Hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất lượng sản phẩm được thị trường chấp nhận quy mô toàn cầu. Giữ nhiệt độ ổn định không phụ thuộc điều kiện tự nhiên. Nuôi gia hóa và khép kín vòng đời đối tượng thủy sản.
Hệ thống RAS nuôi cá hồi nước ngọt thương phẩm ngoài trời tại Đan Mạch trong hệ thống race-way kết nối với hệ thống lọc sinh học đã cho kết quả cao, hạn chế gây ô nhiễm và tiêu thụ nước (Johan, 2008). Cũng nhờ đó, xuất khẩu của công nghệ nuôi tuần hoàn trong NTTS trở thành một ngành công nghiệp lớn cho Đan Mạch.
>> Với mục tiêu để các nước hội nhập và phát triển, cần phải hướng đến NTTS bền vững và thân thiện môi trường thì việc giám sát chặt chẽ các quy định về môi trường nuôi, về các quy trình an toàn sinh học ngày càng được thắt chặt hơn. |
Bình luận gần đây