Đài Loan: Nâng vị thế thủy sản từ hậu cần nghề cá

Nâng cấp cảng cá

Những năm gần đây, Đài Loan đã cắt giảm số lượng tàu câu vàng do hoạt động không hiệu quả. Sản lượng đánh bắt xa bờ thấp do nguồn lợi tự nhiên đang dần bị suy kiệt. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu đang tăng rất cao, khiến hoạt động của các tổ đội đánh bắt hải sản xa bờ ở Đài Loan gặp nhiều khó khăn. Hầu hết cá ngừ câu vàng đều được xuất khẩu sang thị trường Nhật, nhưng đồng yên đang mất giá 20% so với năm ngoái, nên doanh thu từ nghề câu vàng cũng giảm mạnh. Thời gian qua, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải tạm ngừng hoạt động. Trong 2 năm qua, có 10 – 20 tàu đánh bắt xa bờ bị bán và chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ tháng 5 tới tháng 8 năm ngoái, có 80 – 90 tàu câu vàng ngừng hoạt động. Các tổ đội đánh cá Đài Loan hoạt động thiếu đồng bộ và hiệu quả, là động lực lớn để Đài Loan quyết định thay đổi toàn bộ diện mạo của 3 cảng cá trọng điểm.

Thủy sản tại chợ Keelung – Đài Loan – Nguồn: CDN

Dự án tu sửa lại cảng cá truyền thống để nâng cấp, hiện đại hóa với khu neo đậu chuyên dụng, cùng nhiều thiết bị hàng hải khác đã thúc đẩy sự phát triển nghề cá và du lịch địa phương. 3 cảng cá được chọn để nâng cấp gồm cảng cá Badouzi ở Leeung, phía bắc Đài Loan, cảng cá Wushi ở Yilan, đông bắc Đài Loan và cảng cá Anping, phía nam Đài Loan. Các nhà quản lý cho biết, công việc xây dựng ụ nổi, tổ hợp neo đậu, sửa chữa tàu thuyền… sẽ được hoàn tất trong năm nay.

 

Chú trọng quản lý

Đài Loan đã ký kết thỏa thuận khai thác thủy sản song phương với 6 nước gồm Papua New Guinea, Micronesia, Kiribati, Tuvalu, Nauru và đảo Solomon. Hiện, Đài Loan đang trong quá trình đàm phán thỏa thuận khai thác thủy sản song phương với đảo Marshal. Hội đồng phát triển nghề cá nước ngoài (OFDC) cũng hỗ trợ hoạt động nghề cá ven biển tại Đài Loan đồng thời tuyên truyền, giúp đỡ các thuyền viên tránh vi phạm luật khai thác thủy sản quốc tế. Bằng hệ thống giám sát tàu biển (VMS), OFDC đóng vai trò như một trung tâm giám sát và trung tâm phân tích dữ liệu cho các tàu nghề vây, câu mực và tàu câu vàng cá ngừ. Cơ quan này cũng tổ chức các cuộc hội thảo để tuyên truyền về hậu quả của hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép cho 326.000 ngư dân trên khắp Đài Loan. Theo Cục Quản lý nghề cá, có 23.159 tàu thuyền đã đăng ký vào năm 2012. Số lượng tàu bè được tự động hóa năm 2012 là 12.276 chiếc.

Hoạt động đánh bắt ven bờ những năm gần đây không hiệu quả do nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm, trong khi số lượng tàu tham gia đánh bắt ven bờ quá nhiều. Do đó, Đài Loan đang thực hiện nhiều dự án bảo vệ nguồn tài nguyên biển nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Cá rô phi, cá măng và ngao là 3 loài thủy sản được nuôi nhiều nhất. Sản lượng cá rô phi năm 2012 đạt 72.000 tấn, chiếm 5% tổng sản lượng thủy sản nuôi, sản lượng cá măng đạt 72.000 tấn, tương đương 6% tổng sản lượng thủy sản nuôi và ngao đạt 63.000 tấn, chiếm 5%. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt phát triển mạnh hơn nuôi thủy sản nước mặn. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã tăng 9,25% so với năm 2012, trong khi nuôi trồng thủy sản nước mặn đã giảm 20%. David Chang Chủ tịch OFDC cho biết, nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ sẽ giúp ngành công nghiệp thủy sản Đài Loan thêm vững mạnh và vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

>> Theo Cục Thủy sản Đài Loan, năm 2012, tổng sản lượng thủy sản Đài Loan tăng 2,7%, đạt 1,26 triệu tấn, tăng 0,04 triệu tấn so với năm 2011, tổng giá trị thủy sản đạt 106 tỉ đài tệ. Sản lượng thủy sản đánh bắt xa bờ chiếm 58% tổng sản lượng và 47% tổng giá trị thủy sản năm 2012. Sản lượng hải sản đánh bắt xa bờ năm 2012 đạt 727.000 tấn, tăng 3,5% so với mức 702.000 tấn vào năm 2011.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *