Đa dạng sản phẩm để phát triển bền vững

Nhiều bấp bênh

Vùng ĐBSCL trước đây có 10 tỉnh nuôi cá tra nhưng năm nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, tỉnh Kiên Giang không còn nuôi, tỉnh Sóc Trăng chỉ nuôi 2 ha. Hai tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long giảm diện tích và sản lượng. Bên cạnh, nhiều địa phương khác tăng diện tích và sản lượng nên theo Tổng cục Thủy sản, tính đến 30/11/2016, diện tích nuôi cá tra ĐBSCL đạt 4.552 ha, sản lượng thu hoạch 1,047 triệu tấn. So với cùng kỳ năm 2015, diện tích tăng 3,1% nhưng sản lượng tăng 8,9%, do tăng kích cỡ cá thu hoạch để bán sang thị trường Trung Quốc.

Số liệu của Hiệp hội Cá tra, khoảng 11,43% sản lượng cá tra tiêu thụ trong nước, còn lại xuất khẩu. Theo Hải quan, đến 15/11, cá tra xuất sang 140 thị trường, tăng 4 thị trường so năm 2015; kim ngạch gần 1,466 tỷ USD, tăng 7% so cùng kỳ năm 2015. Các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc – Hồng Kông, EU, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và Ả rập Xê út chiếm 79,2% kim ngạch.

Xuất khẩu cá tra đang tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc – Hồng Kông. Đến 15/11, thị trường này đạt kim ngạch hơn 252 triệu USD, tăng 80,6% so cùng kỳ năm 2015. Dự đoán của Tổng cục Thủy sản, cả năm 2016, thị trường này sẽ đạt 305 triệu USD, tăng gần 90% so với năm 2015. Tổng cục Thủy sản ước diện tích nuôi cá tra cả năm 2016 đạt gần 5.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,67 tỷ USD; so năm 2015, theo thứ tự tăng 9% và 6,6%.

Tuy nhiên, người nuôi cá tra vẫn chưa thoát khỏi khó khăn kéo dài nhiều năm qua, do giá cả bấp bênh. Giá cá tra nguyên liệu, các tháng đầu năm 2016 thấp hơn giá thành, với 18.000 – 19.000 đồng/kg (tháng 5 có lúc tăng lên 22.500 – 23.000 đồng/kg). Hiện ở mức 21.000 – 22.000 đồng/kg, người nuôi có lời ít. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi vẫn nhiều trục trặc. Tổng cục Thủy sản cho biết, tính đến 10/12/2016, diện tích nuôi của doanh nghiệp chiếm 51,95%, còn lại của cá nhân và tập thể.

Cá tra đông lạnh chiếm 99,2% trong kim ngạch xuất khẩu cá tra

Cá tra đông lạnh chiếm 99,2% trong kim ngạch xuất khẩu cá tra

Cần đa dạng sản phẩm

Số liệu của Hải quan, cá tra năm nay xuất khẩu với 35 loại sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn chủ yếu là cá tra đông lạnh, chiếm đến 99,2% kim ngạch; còn lại tỷ lệ quá nhỏ cá tra chế biến (cá tra tẩm gia vị, cá tra tẩm bột, cá tra cuộn hoa hồng và cá tra xiên que…). Đây là một yếu kém của ngành sản xuất cá tra, còn lãng phí lớn tiềm năng con cá nên không nâng cao được giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Một nghiên cứu của các chuyên gia ở Khoa Công nghệ Thực phẩm (Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) cho biết, thịt fillet chỉ chiếm khoảng 36% trọng lượng con cá. Còn lại 64% trọng lượng con cá thường được gọi là phụ phẩm, thậm chí là phế phẩm, chưa được quan tâm chế biến thành sản phẩm có chất lượng. Với sản lượng cá tra một năm trên 1 triệu tấn, tiềm năng chưa khai thác rất lớn, khi chưa quan tâm chế biến còn tốn tiền xử lý và dễ gây ô nhiễm môi trường. Để khai thác tiềm năng lớn đó, theo các chuyên gia, phải đổi mới công nghệ để đổi mới sản phẩm cá tra theo hướng bền vững.

Cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, đa số đang gặp khó khăn về vốn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra đến cuối năm 2016 ước 23.323 tỷ đồng, tăng 11% so năm 2015. Tuy nhiên, lãi suất quá cao cùng với thời gian cho vay không đủ một chu kỳ nuôi, nên tình trạng doanh nghiệp và người nuôi dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn khiến ngày càng khó khăn.

Trước nhiều thách thức về vốn và thị trường, Tổng cục Thủy sản xác định chiến lược vượt lên là “đa dạng sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm giá trị gia tăng”. Khuyến khích phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao để cải thiện hình ảnh và giá trị của sản phẩm cá tra Việt Nam, bên cạnh, tận dụng hiệu quả phụ phẩm để khai thác tiềm năng, gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm mới. Cùng đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để đa dạng sản phẩm, đồng thời qua đó, làm đầu mối của chuỗi giá trị mới.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm theo từng đối tượng, sở thích của thị trường nước ngoài và cả trong nước. Nhà nước khuyến khích hoạt động liên kết chuỗi sản phẩm. Các cơ quan nghiên cứu và quản lý tập trung xây dựng quy trình sản xuất tốt từ con giống, nuôi đến chế biến để Bộ có giải pháp phát triển ngành cá tra trong những năm tới. Dự kiến, năm 2017, mở trung tâm hội chợ cá tra tại Việt Nam.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *