Cước vận tải tăng vọt, các công ty nhập khẩu Mỹ, EU lo lắng

Theo nhiều nguồn tin, giá container đông lạnh vận chuyển thủy sản từ châu Á tới châu Âu và Bắc Mỹ đang tăng vọt, gấp đôi, gấp ba kể từ đầu năm. Cước vận tải của một container đông lạnh 40 feet từ châu Á tới châu Âu khoảng 9.000 USD. Chi phí từ Trung Quốc tới Bờ Đông nước Mỹ cũng tăng gấp đôi kể từ đầu năm lên khoảng 9.000 – 10.000 USD, trong khi tới Bờ Tây cũng tăng với tỷ lệ tương đương, lên 7.000 USD. 

Cảng Ningbo-Zhoushan, Trung Quốc. Nguồn: Lightrain / Shutterstock…

Ông A.Espersen, CEO của một công ty chế biến cá thịt trắng ở Đan Mạch cho biết: “Điều đáng buồn là người tiêu dùng sẽ phải ‘cõng’ số tiền vận chuyển tăng cao này. Khi mới bước sang năm 2024, 1 container đông lạnh 40 feet chỉ tốn 2.500 – 3.000 USD, nay con số này là 9.000 USD. Chi phí vận chuyển tăng cao kỷ lục khiến các hợp đồng ngày càng thưa thớt, giá các mặt hàng ngày càng đội lên hơn bao giờ hết”.

“Tệ hơn là bên vận tải không hoàn thành nghĩa vụ đối với các hợp đồng đã ký trước đó (với cước phí thấp). Họ trì hoãn, tạm ngưng vận chuyển, khiến người mua chúng tôi không được hưởng mức giá đã thống nhất”.

Ông Thomas Zaffiro, CEO của nhà chế biến thủy sản Channel Fish Processing tại bang Massachusett (Mỹ) cho biết cước vận tải đã tăng gấp đôi trong 6 tháng. Vận chuyển vào Los Angeles, California tăng từ 3.000 USD lên 7.000 USD, còn vào Bờ Đông là 10.000 – 11.000 USD. “Nhiều công ty châu Á không đủ sức đặt container. Họ đang chịu gánh nặng về cước vận tải tăng cao và tình hình thiếu container. Để đặt thành công 1 container, phải mất 4 – 6 tuần, thậm chí lâu hơn tùy khu vực”, Zaffiro nói.

Theo Tradex Foods, một công ty nhập khẩu thủy sản của Canada, cho rằng chi phí vận tải tăng cao sẽ tác động vô cùng lớn tới thị trường thủy sản. Nếu không “đánh phí” vào người tiêu dùng (tăng giá sản phẩm), thì các nhà máy thủy sản sẽ vô cùng khó khăn và có thể hoạt động cầm chừng. Các nhà nhập khẩu nên chuẩn bị trước tình huống phí vận tải tiếp tục tăng và hoạt động vận chuyển “trì trệ”, điều này cũng có nghĩa giá sản phẩm bắt buộc phải tăng. Như vậy, toàn ngành cần một kế hoạch chiến lược và sự đồng lòng chia sẻ chi phí để đối phó với tình huống hiện nay.

An Vy

(Theo UCN)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *