Cùng hợp tác, cùng phát triển
Hội chợ Triển lãm chuyên ngành thủy hải sản châu Á Ảnh: CTV
Ngày càng nhiều hội chợ triển lãm
Hoạt động thương mại ra đời khi xuất hiện sự trao đổi hàng hóa giữa người mua và người bán có từ khi con người biết sản xuất. Việc mua bán trao đổi ngày càng phát triển vượt ra ngoài một vùng, một khu vực, một quốc gia. Hội chợ, triển lãm ra đời là một công cụ đắc lực, quan trọng trong việc xúc tiến thương mại hiện đại.
Ở Việt Nam, các hội chợ, triển lãm bắt đầu thu hút sự quan tâm chú ý của nhà tổ chức, doanh nghiệp, khách tham quan cũng như các cơ quan quản lý từ năm 1994 trở lại đây. Từ chỗ một năm chỉ có vài hội chợ, triển lãm và 1 – 2 đơn vị tổ chức thì đến nay đã có hàng chục đơn vị tham gia vào việc tổ chức trên 200 hội chợ, triển lãm trong nước hàng năm, liên kết với nhiều hoạt động mang tầm quốc tế với quy mô tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả.
Các hội chợ, triển lãm quy mô lớn thường được tổ chức tại các thành phố lớn là trung tâm kinh tế – chính trị, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có thể kể đến một số hội chợ, triển lãm điển hình trong những năm qua đã được người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao như: Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo) với sự tham gia của hơn 500 gian hàng, 450 doanh nghiệp đến từ 16 tỉnh, thành của Việt Nam và 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm – Đồ uống và Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm và đồ uống (Vietfood & Beverage – ProPack) với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Hàn Quốc, Singapore, Đan Mạch, Bulgaria, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…
Thủy sản cũng góp phần
Ngoài chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh thì hình ảnh, thương hiệu của các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Việc các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm nói riêng và tiến hành quảng cáo, tiếp thị cùng các chiến dịch marketing cho thương hiệu của mình là việc cần phải làm nếu muốn tồn tại và phát triển trước nền kinh tế thị trường cạnh tranh cao. Bởi, thông qua những hoạt động này, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng; đồng thời nhận được những phản hồi trực tiếp của người tiêu dùng để cải thiện hơn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một lợi ích to lớn hơn chính là doanh nghiệp có thể tăng đáng kể doanh thu sau hội chợ, triển lãm.
Có lẽ chính vì thế mà trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng rất tích cực trong việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Đơn cử như đã có 218 doanh nghiệp thủy sản tham gia Hội chợ Thủy sản Quốc tế VietFish 2017. Hay như Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp) dù mới bắt đầu tổ chức từ năm 2016 đến nay nhưng cũng đã thu hút gần 150 doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng rất chú trọng khi mang sản phẩm cá tra, tôm giới thiệu tại các hội chợ thủy sản quốc tế, chẳng hạn như Hội chợ Thủy sản Boston (Mỹ) – một trong những hội chợ chuyên ngành được đánh giá lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Đáng quan tâm hơn là gần đây, đã có nhiều tín hiệu tích cực sau mỗi kỳ hội chợ quốc tế, giá cá tra, tôm Việt Nam có xu hướng tăng lên.
Làm gì để hiệu quả?
Trong thời điểm kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp phải chạy đua cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, một trong những cách thức để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng và ít tốn kém nhất chính là tham gia các hội chợ, triển lãm. Tuy vậy, không phải ở hội chợ, triển lãm nào, các doanh nghiệp cũng gặt hái được thành công như mong đợi, nhất là trong bối cảnh hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức rất nhiều như hiện nay.
Theo các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước, để gặt hái được những kết quả tốt đẹp từ các hội chợ, triển lãm, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị chu đáo trong khâu tài chính, tài liệu giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là chuẩn bị nhân sự. Nếu doanh nghiệp cử không đúng người trực tiếp tham gia hội chợ, họ sẽ không trả lời được những câu hỏi của khách hàng về công dụng sản phẩm, nguyên liệu làm ra sản phẩm và đặc biệt là quyết định những thỏa thuận với khách hàng về chính sách giá, như vậy, sẽ mất cơ hội tìm kiếm khách hàng mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc thiết kế, trang trí gian hàng tham gia hội chợ triển lãm sao cho bắt mắt, thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Đối với “sân chơi” quốc tế, mỗi lần tham gia các kỳ hội chợ quốc tế, doanh nghiệp phải bỏ ra không ít chi phí, thời gian và nguồn lực. Do đó, cần phải khai thác tối đa và triệt để các chương trình này. Theo Chủ tịch Công ty John&Partners, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức, thông tin liên quan đến hội chợ, văn hóa quốc gia, ngôn ngữ, thói quen tiêu dùng, tập quán mua hàng và đối tượng khách hàng. Hơn nữa, doanh nghiệp cần nắm rõ các hạng mục sẽ được hỗ trợ tại hội chợ, những mục doanh nghiệp cần phải tự trang bị để tránh những việc “cười ra nước mắt” như hàng đông lạnh thì không có tủ đông, hàng nước uống thì không có tủ lạnh, hàng thực phẩm thì không có bếp để nấu hay hội chợ cấm không được nấu ăn… Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ các nội dung để quảng bá, tiếp thị, các câu chào hàng cũng như huấn luyện nhân viên về kiến thức sản phẩm và phương thức bán hàng.
Tuy vậy, để việc tham gia hội chợ thành công, không hẳn chỉ là sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, mà đơn vị tổ chức cũng đóng vai trò cầu nối quan trọng. Do đó, cần phải có sự nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng từ cả hai phía: doanh nghiệp tham gia hội chợ và đơn vị tổ chức.
>> Nhiều chuyên gia cho rằng, khi tham gia hội chợ triển lãm, các doanh nghiệp có thể thu được rất nhiều lợi ích như: Gặp gỡ khách hàng mới, hình thành danh sách tiêu thụ mới, quảng cáo sản phẩm và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thu được các phản hồi từ khách hàng một cách trực tiếp… Đồng thời, đây cũng là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. |
Bình luận gần đây