Cú huých cho xuất khẩu thủy sản
Tín hiệu khả quan
Báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông, lâm, thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%). Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Riêng với ngành hàng thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023, do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Thông tin từ VASEP cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.
Hiện, xung đột Nga – Ukraina, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề chính trị khác trên thế giới cũng làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá thành sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024. Mặt khác, các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ nên phải đi qua kênh đào Suez. Do đó, căng thẳng Biển Đỏ đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo phân tích của VASEP, xuất khẩu thủy sản đang khó khăn nhất vẫn là thị trường châu Âu bởi phần lớn hàng hóa xuất sang thị trường này phải đi qua kênh đào Suez, ngoài ra việc giá cước tăng 30%, thời gian vận chuyển kéo dài cũng đang phát sinh tâm lý e ngại.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhận được nhiều thông tin hơn liên quan đến tình hình Biển Đỏ để có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhất đó là sự chung tay, hỗ trợ của các hãng tàu, bởi đây là một trong những mắt xích quan trọng trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, căng thẳng Biển Đỏ làm thiệt hại đến xuất khẩu thủy sản sang châu Âu cũng chỉ ở mức độ, vì tháng 1/2024 chưa phải là tháng cao điểm xuất khẩu. Mặt khác, các nước cũng đã mua hàng xong và đang chờ giải phóng hàng tồn sau mùa lễ hội mới bắt đầu đặt hàng tiếp, nhưng phải đến giữa tháng 6 hoặc tháng 7/2024 mới có thể thấy sự phục hồi ở thị trường châu Âu, còn thời điểm hiện nay vẫn đang ở trạng thái khá khó khăn. Còn với thị trường Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đối với hàng hóa đến phía bờ Đông, còn bờ Tây thì không đi qua kênh đào Suez nhưng nhìn chung thị trường này cũng bị ảnh hưởng lớn. Tình hình chung của thị trường đang giằng co, có thể từ nay đến hết quý I/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ, nên các doanh nghiệp cần chuẩn bị và chờ đợi. Tuy kinh tế nước Mỹ đang tốt lên nhưng tình hình tiêu thụ cũng khó trở lại bình thường giống như trước, vì cần có thời gian để người tiêu nhắc quyết định chi tiêu mạnh tay bán nhiều hơn.
Cần những “cú huých” mạnh mẽ
Đánh giá về triển vọng ngành trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang sẽ khiến chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ, châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023, có thể làm suy yếu lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu ngay trong quý I/2024. SSI ước tính, chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3 – 5% trong tháng 12/2023 lên 7 – 10% trong tháng 1/2024. Theo phân tích từ SSI, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, SSI cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt.
Trước những rào cản không nhỏ về vấn hoạt động giao thương, các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, việc chuyển hướng thị trường cũng cần có thời gian, không thể một sớm một chiều, vì vậy, cần tiếp tục tăng thị phần bằng cách tăng cường các hoạt động về quảng bá cũng như các vấn đề về chất lượng an toàn thực phẩm và một số yếu tố liên quan khác, nhất là những yếu tố mà thủy sản Việt Nam thuận lợi hơn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc chưa khai thác hết thế mạnh về chế biến sâu, gây dựng thương hiệu, cũng như các yêu cầu về chất lượng vẫn đang là rào cản đối với nông sản Việt Nam. Mặc dù, nhiều doanh nghiệp tuân thủ các quy định của phía nhập khẩu song đây vẫn là thách thức lớn để bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
Vì vậy, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các doanh nghiệp giám sát, quản lý tốt quá trình sản xuất, cấp mã vùng, rà soát các tiêu chí, đáp ứng tiêu chuẩn từ nhiều thị trường lớn. Bộ cũng phân tích thị trường để có những chiến lược cụ thể cho từng thời điểm, từng ngành hàng, tạo đột phá về xuất khẩu nông sản. Cùng đó, ngành nông nghiệp sẽ bám sát các thị trường nhập khẩu lớn, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác thêm các thị trường mới, tiềm năng, như các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi…
Diệu An
Bình luận gần đây