Cơ hội và thách thức từ thị trường Halal

Tuy nhiên, để xâm nhập và có được vị thế vững chắc ở thị trường này, doanh nghiệp cần vượt qua không ít thách thức đến từ: Xuất xứ nguồn gốc, chất lượng… đặc biệt là tiêu chuẩn Halal vốn vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Tiềm năng và cơ hội lớn

Thị trường Halal được đánh giá là rất tiềm năng nhờ có quy mô dân số và mức thu nhập bình quân đầu người cao, nhất là các quốc gia đạo Hồi khu vực Trung Đông. Theo ước tính, chỉ riêng lĩnh vực thực phẩm, năm 2022, quy mô thị trường này đã lên đến 2.354 tỷ USD và dự báo đến năm 2029 lên đến 4.987 tỷ USD. Không nói đâu xa, ngay khu vực khối ASEAN, các quốc gia, như: Indonesia, Malaysia, Brunei… với dân số theo đạo Hồi chiếm tỷ lệ lớn cùng mức thu nhập bình quân đầu người cao, từ lâu đã trở thành một trong những thị trường Halal lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Con tôm nói riêng và thuỷ sản nói chung đang đứng trước cơ hội rất lớn từ thị trường Halal có quy mô dân số tỷ dân

Theo các chuyên gia về thị trường, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho thị trường Halal nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào như gạo, cà phê, trà, hải sản, gia vị, đậu, rau và trái cây… Một lợi thế nữa là 62% dân số theo đạo Hồi sống ở các quốc gia châu Á, nên đây cũng là thị trường gần, chi phí vận chuyển thấp. Dù chưa xâm nhập thị trường Halal, nhưng ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vẫn đánh giá cao tiềm năng cũng như cơ hội của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam ở thị trường này. Còn theo anh Võ Điền Trung Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp, các quốc gia đạo Hồi khu vực Trung Đông luôn được xác định là thị trường tiềm năng của mặt hàng cá chẽm. Anh Dũng chia sẻ: “Thật ra, mặt hàng cá chẽm cũng đã được xuất sang một số nước khu vực Trung Đông và Malaysia ở Đông Nam Á. Thị trường Halal rất tiềm năng đối với con cá chẽm nên nếu làm tốt công tác thị trường, tôi tin nghề nuôi cá chẽm sẽ phát triển một cách mạnh mẽ”.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), chỉ tính riêng mặt hàng tôm thị trường Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này khoảng trên dưới 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Riêng 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 7,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,3% và tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính sang thị trường này gồm: tôm sú tươi đông lạnh, tôm chân trắng PDTO hấp đông lạnh, tôm EZP tươi đông lạnh, tôm sú nguyên con đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh, tôm PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng tươi đông lạnh, tôm chân trắng Nobashi tươi đông lạnh… Các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều tôm sang UAE gồm Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, Công ty TNHH Thủy sản Nam Kinh, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Thủy Sản Minh Phú – Hậu Giang…

Thách thức từ thị trường Halal

Cũng như bao thị trường khác, để xâm nhập thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp đều phải chấp nhận quy luật cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu khác. Đối với mặt hàng tôm, đối thủ chính của con tôm Việt Nam từ lâu đã được xác định là Ấn Độ. Đây là điều dễ hiểu, bởi bên cạnh lợi thế tôm giá rẻ, Ấn Độ còn có lợi thế rất lớn về thuế quan và đặc biệt là niềm tin vào tiêu chuẩn chất lượng Halal do Ấn Độ cũng là một quốc gia có tỷ lệ dân số theo đạo Hồi cao. Gần đây, Trung Quốc, Indonesia, và cả Ecuador cũng bắt đầu xâm nhập thị trường này. Đơn cử như tại thị trường UAE, tôm Ấn Độ chiếm gần 60%-70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây nhưng cũng đã có 15% thị phần, trong khi thị phần tôm Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 5%-7% thị phần.

Một thách thức nữa từ thị trường Halal là các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải đạt được chứng nhận Halal. Đây là tiêu chuẩn tuy không quá khắt khe như các tiêu như các tiêu chuẩn khác, nhưng cái khó là quy trình chứng nhận phức tạp và chưa tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế khác. Mặt khác, mỗi quốc gia đạo Hồi khác nhau thường đòi hỏi tiêu chuẩn Halal khác nhau. Halal trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “được phép” hay “hợp pháp” và được dùng để chỉ các quy chuẩn tôn giáo theo chuẩn mực, giá trị của người Hồi giáo theo kinh Koran và Luật Sharia. Đây cũng là lý do đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết đến thị trường này. Ngoài ra, muốn xâm nhập thị trường Halal, doanh nghiệp cần đầu tư dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng và nguồn nguyên liệu an toàn cho các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal, tuân theo các tiêu chuẩn Halal, bởi chứng nhận Halal cũng được xem như tấm hộ chiếu để doanh nghiệp đến với thị trường Halal.

Để tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế

Thị trường Halal là thị trường lớn, trọng tâm của Việt Nam và Chính phủ đang mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thị trường này. Qua 2 năm triển khai đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, chúng ta đã huy động được các nguồn lực để phát triển ngành Halal một cách bài bản, khá toàn diện. Theo đó, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm đưa các nội dung hợp tác về Halal vào trong các trao đổi, tiếp xúc đặc biệt ở cấp cao. Thúc đẩy đàm phán và ký kết một số thỏa thuận song phương về hợp tác liên quan đến Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Ðồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm Halal, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương Việt Nam kết nối với các đối tác trên thị trường Halal toàn cầu. Mới đây, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) đã chính thức được ký kết.

Để tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp cần chủ động trang bị thông tin, tìm hiểu về quy trình chứng nhận Halal, đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên vật liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal, tuân theo và đạt chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam. Việc tiếp cận thông tin, hiểu sâu hơn về văn hóa của các nước Hồi giáo, hiểu sâu sắc các vấn đề về văn hóa, lối sống, tâm linh của người Hồi giáo, hiểu quy chuẩn Halal là gì và làm thế nào để tiếp cận, đưa được sản phẩm xuất khẩu phù hợp với thị trường khó tính nhưng cũng rất giàu có này cũng là một vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.
Khai thác, xâm nhập thị trường mới, khó tính bao giờ cũng hết sức khó khăn, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực, với việc đã và đang thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới với các thị trường khó tính, như: Mỹ, EU, Nhật Bản… doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện đạt chứng nhận Halal để tiếp cận thành công thị trường Halal.

Thị trường Halal được đánh giá là rất tiềm năng nhờ có quy mô dân số và mức thu nhập bình quân đầu người cao. Theo ước tính, chỉ riêng lĩnh vực thực phẩm, năm 2022, quy mô thị trường này đã lên đến 2.354 tỷ USD và dự báo đến năm 2029 lên đến 4.987 tỷ USD.

Xuân Trường

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *