Cơ hội rộng mở cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Ấn Độ
Chia sẻ tại buổi giao thương, trao đổi thông tin thị trường – ngành hàng trong lĩnh vực thủy sản và sản phẩm chế biến do Thương vụ – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp chính quyền bang Kerala và Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu và Phát triển sản phẩm Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) tổ chức ngày 22/6 vừa qua; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Kerala và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thủy, hải sản là rất lớn. Hai bên không chỉ có cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại mà còn trong hợp tác nghiên cứu, đầu tư, phát triển sản phẩm. Việt Nam và Ấn Độ đều là các quốc gia xuất khẩu thủy, hải sản và các sản phẩm chế biến. Ấn Độ là nguồn cung cấp thủy sản đầu vào quan trọng cho ngành chế biến thủy sản của Việt Nam.
Việt Nam – Ấn Độ có nhiều tiềm năng mở rộng hoạt động sản xuất chế biến các sản phẩm thủy, hải sản. Ảnh: Vũ Mưa
Còn theo đại diện MPEDA, Ấn Độ có nhiều tiềm năng mở rộng hoạt động sản xuất chế biến các sản phẩm thủy, hải sản. Các doanh nghiệp Ấn Độ có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến, gia tăng giá trị và xuất khẩu. Các doanh nghiệp Ấn Độ đang đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng với trang thiết bị hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Khi đó, Ấn Độ có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô từ Việt Nam mà Ấn Độ không thể sản xuất hoặc sản xuất với chi phí cao hơn.
Cùng đó, nhiều đại biểu khác của Ấn Độ cho rằng, doanh nghiệp hai nước có thể tập trung hợp tác trong hoạt động chế biến, tăng giá trị sản phẩm thủy, hải sản; đầu tư vào các cơ sở sản xuất chế biến, áp dụng những công nghệ tiên tiến để tăng giá trị sản phẩm. Còn đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn tìm được đối tác tin cậy để cung cấp nguyên liệu thô từ phía Ấn Độ, đồng thời hy vọng thông qua chương trình sẽ kết nối được với các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động uy tín trong lĩnh vực thủy, hải sản. Đại diện Sở Thủy sản bang Kerala cho rằng, các doanh nghiệp Ấn Độ cần phải học tập các doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa trong việc tạo ra các sản phẩm chế biến giá trị cao, đầu tư vào dây chuyền sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Trong khi các sản phẩm của Ấn Độ chỉ tăng khoảng 10% giá trị thì Việt Nam có những sản phẩm chế biến tăng thêm 35% giá trị sản phẩm.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, sẽ sớm phối hợp MPEDA, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu thủy hải sản Ấn Độ và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình xúc tiến B2B trực tiếp trong thời gian sắp tới để doanh nghiệp thủy sản hai nước có thể gặp gỡ, trao đổi về xuất, nhập khẩu, hợp tác đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến, nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh. Những hoạt động này nằm trong chuỗi 50 sự kiện chào mừng 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ.
>> Xuất khẩu thủy hải sản của Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi từ mức 3,5 tỷ USD năm 2011 – 2012 lên mức 7,7 tỷ USD trong năm 2021 – 2022, mục tiêu đạt mức 8,8 tỷ USD cho năm tài chính 2022 – 2023. Ấn Độ xuất khẩu thủy, hải sản tới 121 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ chiếm tỷ trọng 43%, Trung Quốc chiếm 14%, EU chiếm 15%; Nhật Bản chiếm 6%; ASEAN chiếm 9% tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ.
Diệu An
Bình luận gần đây