Cơ hội mới tại thị trường Trung Quốc

Giai đoạn “vàng” để xuất khẩu

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương (Bộ Công thương), để tận dụng cơ hội xuất khẩu, Việt Nam vẫn cần quan tâm đến thị trường Trung Quốc bởi Trung Quốc bước đầu đã khống chế được dịch và là thị trường gần đối với Việt Nam. Có thể nói đây là giai đoạn vàng cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất hàng sang thị trường tỷ dân này cũng cần chuyển đổi theo con đường chính ngạch để tránh gặp rủi ro.

Chế biến tôm tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Ảnh minh họa

Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, Trung Quốc đang ngày càng yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, nông dân sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phải quan tâm chế biến sâu, bảo quản tốt để đáp ứng. Hơn nữa, khi thị trường Trung Quốc bị trục trặc, khó tiếp cận, việc chế biến sâu nông sản sẽ giúp có đủ điều kiện và tiêu chuẩn chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác ngoài tiêu thụ trong nước. Các doanh nghiệp logistics cung ứng dịch vụ cho hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, cần xây dựng các kho hàng lạnh và nóng, để phục vụ bảo quản hàng hóa đảm bảo chất lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp khi phải chờ đợi cơ hội thông quan tại cửa khẩu.

Cùng đó, để đẩy mạnh hàng nông sản sang Trung Quốc, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, các hiệp hội ngành hàng doanh nghiệp, cùng các địa phương sản xuất nông sản xuất khẩu cần có sự phối hợp hiệu quả, tập trung nắm bắt, dự báo chính xác tình hình, quy hoạch các vùng trồng nông sản phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là đối với thị trường Trung Quốc, qua đó điều tiết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu hợp lý.

Chú trọng nhu cầu tiêu dùng

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, tổng kim ngạch thương mại nông, lâm, sản Việt Nam – Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2019 (đạt 2,21 tỷ USD). Kim ngạch 8/12 nhóm mặt hàng xuất khẩu nông sản đều giảm mạnh so cùng kỳ, trong đó bao gồm: Rau quả đạt 525 triệu USD, giảm 22,7%; cao su 203 triệu USD, giảm 29,2%; thủy sản 140 triệu USD, giảm 28,6%; chè 1 triệu USD, giảm 82,2%; hạt điều 46,1, triệu USD giảm 46,7%; thức ăn gia súc và nguyên liệu 28,8 triệu USD, giảm 12,4%.

Theo như dự báo của các chuyên gia, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì mặt hàng nông sản sẽ có sự phục hồi nhanh nhất, do đây là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng; ngay khi hết dịch, những nước nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam sẽ tăng cường lượng nhập vào để phục vụ đời sống người dân.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động xuất, nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung và Việt Nam với địa phương Trung Quốc giáp biên là tỉnh Quảng Tây nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Sở Thương mại Quảng Tây đã nhanh chóng trao đổi, cùng tìm kiếm giải pháp xúc tiến thương mại phù hợp trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp hai bên. Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định, hai nước có triển vọng to lớn trong hợp tác thương mại nông sản và thực phẩm; năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, như vậy còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

Tại “Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa  Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) 2020” diễn ra mới đây, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp; đặc biệt, vai trò của cơ quan chức năng, các địa phương trong việc hỗ trợ cần được phát huy tối đa. Cơ quan chức năng nên cung cấp thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, có phương án và kế hoạch sản xuất, chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường, sẵn sàng xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát. Các địa phương cần giảm thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn; thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản trong và ngoài nước, để giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khi dịch đã được kiểm soát.

>> Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Nên đánh giá thế mạnh của từng nhóm cửa khẩu với các loại nông sản để chỉ đạo điều hành luồng đi cho khoa học, hợp lý. Trong đó, cần thống nhất tổng thể chung theo mùa vụ, theo tháng, theo quý để định hướng khối lượng luân chuyển hàng hóa phù hợp với tín hiệu của thị trường.  

Ngọc Hân

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *