Cơ hội khi vượt rào cản

Thách thức

Hàng chục năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng vượt chỉ tiêu đặt ra, đạt 6,1 tỷ USD vào năm 2011, gấp 3 lần 10 năm trước. Nhưng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hụt 300.000 USD so chỉ tiêu 6,5 tỷ USD. Chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2013, tương đương năm 2012, và sau 4 tháng, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết “cố gắng mới đạt được”.

Tồn dư kháng sinh và nhiễm khuẩn đang là thách thức lớn đối với thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả kiểm tra tại 48 tỉnh và thành phố sản xuất tập trung, cung cấp và tiêu thụ số lượng lớn thủy sản trên thị trường, mức độ vi phạm an toàn thực phẩm của các sản phẩm thủy sản chưa có chiều hướng giảm. Tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi vượt giới hạn cho phép trong 3 năm gần đây, từ 2010 đến 2012, là 1,3%, 1%, 1,5%; hóa chất bảo quản, ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong thủy sản sau thu hoạch tương ứng 3,5%, 5,5%, 5,3%.

Kiểm tra 12.086 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện 961 cơ sở vi phạm (chiếm 18,7%). Tổng số mẫu thủy sản lấy kiểm tra là 1.902, phát hiện 127 mẫu (6,7%) vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 10 mẫu (0,5%) vi phạm chỉ tiêu kim loại nặng, histamine; 98 mẫu (5%) vi phạm hóa chất, kháng sinh cấm.

Vượt qua khó khăn năm 2012 xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đạt 6,18 tỷ USD

Có nguyên nhân ở sự thiếu cơ sở kỹ thuật kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã chỉ định được 27 phòng kiểm nghiệm trong và ngoài ngành có khả năng phân tích các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, khoa học công nghệ phát triển, yêu cầu về kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi sự kiểm soát của Việt Nam chuyên sâu hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.

Hệ thống văn bản về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cũng còn phải hoàn thiện hơn nữa. Bộ NN&PTNT thừa nhận, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với chuỗi sản phẩm còn thiếu điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại khâu chế biến và chợ đầu mối; chưa có đủ các văn bản pháp quy cho việc quản lý các dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

 

Cơ hội

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, trong những thách thức vừa nêu, yếu tố bên trong, cấu trúc của chuỗi giá trị và chiến lược cạnh tranh của ngành là vấn đề phải mất nhiều công sức giải quyết. Đồng quan điểm nhưng Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cũng nhận định, xét về sự phát triển nội tại thì thách thức bên ngoài lại là cơ hội thúc đẩy nỗ lực bên trong. Ông Hòe phân tích, các thách thức phải vượt qua sẽ giúp doanh nghiệp định hướng lại sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế để phát triển ổn định hơn, không còn chạy theo số lượng.

Các thị trường nhập khẩu thủy sản đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao là đương nhiên để bảo vệ người tiêu dùng và đó cũng là xu thế phát triển của toàn cầu hóa. Thủy sản Việt Nam chấp nhận và vượt qua bằng đổi mới công nghệ, quản trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn để tăng thu nhập cho các khâu trong chuỗi sản phẩm. Được thế, doanh nghiệp giàu và đất nước cũng giàu.

Thực tế, ngành thủy sản Việt Nam có khả năng vượt qua các rào cản thị trường. Sản phẩm cá tra trong bối cảnh nhiều khó khăn vây bủa, thì nhiều doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận ASC, một hệ tiêu chuẩn mới ra đời nhằm quản lý việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm toàn cầu, nên sản phẩm xuất khẩu thuận lợi. Theo VASEP, fillet cá tra đông lạnh đạt chứng nhận ASC bán tại Đức có giá tới 12 Euro/kg, cao gấp gần 3 lần so sản phẩm không có chứng nhận này.

Đánh giá của Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) cho biết, xu thế nhập khẩu cá tra đạt chứng nhận ASC đang phát triển. “Những tháng đầu năm 2013, xuất khẩu có giảm nhưng cũng đã xuất hiện tín hiệu rất đáng phấn khởi, ngành thủy sản Việt Nam đang đi vào giai đoạn ổn định”, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết.

>> Đến nay, hệ thống thanh tra chuyên ngành chất lượng ATTP cũng được xây dựng và hoạt động ở hầu hết các địa phương. 100% tỉnh, thành phố đã thống kê, lập danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh, 61/63 tỉnh đã kiểm tra đánh giá phân loại lần đầu; trên 40 tỉnh, thành kiểm tra đánh giá đầy đủ các loại hình sản xuất kinh doanh.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *