Chuẩn bị sẵn sàng thực thi CPTPP
Ảnh minh họa
Để quá trình hội nhập CPTPP thuận lợi, ngày 22/1/2019, Bộ Công thương đã chính thức ban hành quy định về xuất xứ hàng hóa sẽ thực thi trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Quy định này nằm trong Thông tư 03/2019/TT-BCT áp dụng đối với: Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); Thương nhân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu theo Hiệp định.
Cụ thể, Việt Nam áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền C/O đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước thành viên khác của Hiệp định. Danh mục các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu CPTPP của Việt Nam được quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này và được cập nhật tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu CPTPP đăng ký mẫu con dấu, chữ ký và cập nhật các mẫu con dấu, chữ ký này theo quy định của Bộ Công thương.
Cùng đó, quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và các quy định có liên quan tại Thông tư này.
Lưu ý những nội dung như sau:
Quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa
Hàng hóa có xuất xứ
Hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu:
Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;
Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Hàng dệt may được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng quy định tại Thông tư này và tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hàng hóa có xuất xứ thuần túy
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên trong các trường hợp sau:
Cây trồng và sản phẩm từ cây trồng được trồng, cấy, thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại đó.
Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại đó.
Hàng hóa được chế biến từ động vật sống tại đó.
Động vật thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, thu lượm hoặc săn bắt tại đó.
Hàng hóa thu được từ việc NTTS tại đó.
Khoáng sản hoặc chất sản sinh tự nhiên khác không bao gồm quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra tại đó.
Cá, động vật có vỏ và sinh vật biển khác lấy từ biển, đáy biển hoặc lòng đất nằm bên ngoài lãnh thổ của các nước thành viên và theo luật quốc tế, nằm bên ngoài lãnh hải của các nước không phải là thành viên thuộc các tàu đã được đăng ký, vào sổ đăng ký hoặc lưu hồ sơ tại một nước thành viên và được phép treo cờ của nước thành viên đó.
Sản phẩm được chế biến từ các sản phẩm đề cập tại khoản 7 Điều này ngay trên boong tàu được đăng ký, vào sổ đăng ký hoặc lưu hồ sơ tại một nước thành viên và được phép treo cờ của nước thành viên đó.
Hàng hóa ngoại trừ cá, động vật có vỏ và sinh vật biển khác đánh bắt, thu được từ một nước thành viên hoặc một cá nhân của một nước thành viên từ đáy biển hoặc lòng đất nằm bên ngoài lãnh thổ của các nước thành viên, và ngoài các khu vực mà các nước không phải là thành viên thực hiện quyền tài phán với điều kiện nước thành viên hoặc người của nước thành viên có quyền khai thác đáy biển hoặc lòng đất đó theo quy định của luật quốc tế.
Phế thải, phế liệu được loại ra trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng tại đó với điều kiện phế thải, phế liệu đó chỉ phù hợp làm nguyên liệu.
Hàng hóa được sản xuất tại đó chỉ từ các hàng hóa theo quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này hoặc từ các sản phẩm thu được từ chúng.
Cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp:
Cho riêng từng lô hàng vào lãnh thổ của một nước thành viên;
Chung cho nhiều lô hàng đối với hàng hóa giống hệt nhau trong khoảng thời gian không quá 12 tháng trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực trong vòng 1 năm sau ngày phát hành hoặc lâu hơn theo quy định pháp luật của nước thành viên nhập khẩu.
Mẫu chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thương nhận được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp sau:
Trị giá hải quan của lô hàng nhập khẩu không vượt quá 1.000 USD hoặc trị giá tương đương với đồng tiền của nước thành viên nhập khẩu hoặc theo quy định của nước thành viên nhập khẩu nếu có quy định về trị giá được miễn chứng từ cao hơn;
Hàng hóa đã được nước thành viên nhập khẩu miễn hoặc không yêu cầu nhà nhập khẩu phải xuất trình chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Thương nhân không được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp việc nhập khẩu là một phần thuộc một chuỗi các hoạt động nhập khẩu được tiến hành hoặc đã lên kế hoạch nhằm trốn tránh quy định nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan.
Nghĩa vụ liên quan đến xuất khẩu
Thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp sai thông tin trong chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
Trường hợp nhà xuất khẩu, nhà sản xuất nhận thấy những thông tin, dữ liệu trong chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa chính xác hoặc chưa đáp ứng các quy định về xuất xứ, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản kịp thời cho nhà nhập khẩu và cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu.
Lưu trữ hồ sơ
Cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu CPTPP và thương nhân phải lưu trữ hồ sơ, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn ít nhất 5 năm kể từ ngày cấp dưới bất kỳ hình thức nào để truy xuất nhanh chóng, bao gồm điện tử, quang học, từ tính, hoặc bằng văn bản theo quy định pháp luật của Việt Nam.
Bảo mật
Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đảm bảo bảo mật thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa, tránh gây tổn hại đến vị thế cạnh tranh của cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 8/3/2019.
Bình luận gần đây