Chờ thời cơ mới cho tôm xuất khẩu
Chất lượng vẫn đáng lo
Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2015, tổng số lô tôm xuất khẩu cả nước bị ba thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật Bản cảnh báo và trả về do “vướng” chất cấm là 36 lô, bằng gần 40% con số của cả năm ngoái (92 lô).
Một số ý kiến lo ngại các nước “dựng hàng rào” làm khó doanh nghiệp Việt Nam, song thực tế không phải vậy. Một số nhà xuất khẩu thì luôn cho rằng, việc “dựng hàng rào” là để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thị trường của chúng ta, đơn cử như Nhật Bản, không hề sản xuất tôm, thì bảo vệ ai? Trong khi họ còn muốn có tôm Việt Nam để bán. Điều này chỉ đơn giản phản ảnh một điều là sau thời kỳ tăng trưởng quá mạnh, ngành tôm Việt Nam đã để lộ những nhược điểm, đó là vấn đề quản lý chất lượng không theo kịp sự tăng trưởng.
Tuy vậy, chính các nhà xuất khẩu hiện nay cho biết, chúng ta gặp bất lợi trong việc kiểm định chất lượng của phía nước bạn. Do không truy xuất được nguồn gốc, dẫn đến việc các nước kiểm tra mang tính xác suất đối với hàng Việt Nam và một khi lô hàng nào đó chất lượng có vấn đề thì dĩ nhiên hàng loạt sản phẩm bị kiểm định xác suất cũng đều có kết quả tương tự. Điều này ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp khác, dù họ làm ăn chân chính và chất lượng tốt.
Do mặt hàng tôm không mang tính đồng đều như cá tra, diện tích nuôi trồng lớn, tôm thu mua từ nhiều nguồn, nhiều trang trại khác nhau nên việc truy xuất đang là trở ngại lớn.
Chế biến tôm xuất khẩu – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
“Treo” ao
Chuyến đi công tác vừa qua, chúng tôi gặp Doanh nghiệp Thái Mỹ ở Cà Mau, hiện đã hoàn thành 4 ha mặt nước nuôi công nghiệp, nhưng không dám thả con giống. Chủ doanh nghiệp này nói: “Chưa thả đã biết lỗ, nên không dám thả nữa”.
Chúng tôi cũng gặp các nhân viên kỹ thuật của Grobest làm việc tại Cà Mau. Họ đều than phiền rằng việc kiểm định phân loại tôm rất khó. Tôm được thu mua từ nhiều nguồn. Những doanh nghiệp, nông trại đầu tư lớn, giá thành cao, tôm chất lượng, cũng bị đánh đồng với những nơi nuôi tôm kém chất lượng”. Càng đầu tư càng thua lỗ là do vậy.
Doanh nghiệp tư nhân Tôm giống Dương Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay “không có lãi” vì người dân “treo ao”. Doanh nghiệp này cũng than thở về tình trạng con giống không kiểm soát được chất lượng, tôm giống tốt khó bán mà tôm giống kém chất lượng lại tiêu thụ nhiều. Điều này tiềm ẩn những hiểm họa khó lường.
Phải biết chờ đợi
Các doanh nghiệp cho biết, hiện nay cuộc cạnh tranh giá cả khốc liệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang diễn ra, không chỉ Việt Nam mà các nước Đông Nam Á đều chọn giải pháp không giảm giá, không tham gia phá giám mà tích trữ nguyên liệu chờ thị trường phục hồi. Điều này không phải là không có cơ sở, vì người ta cho rằng việc giá tôm hạ chỉ là do cuộc cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm thị trường. Các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ không thể nào tồn tại bằng cách bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất. Tình trạng này khó kéo dài mãi được. Thị trường thế giới có những nguyên tắc chung về cung – cầu. Các nhà nghiên cứu thị trường thế giới đều chung nhận định là tiêu thụ tôm của thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng trong 20 năm tới, do vậy việc tôm tăng giá sớm hay muốn cũng xảy ra.
Bài học đặt ra cho các nhà sản xuất tôm Việt Nam đó là cần phải dự báo tốt hơn nữa, sát với tình hình thị trường để hạn chế rủi ro, đồng thời phải xây dựng hệ thống tích trữ tôm nguyên liệu đủ mạnh để hạn chế thiệt hại cho người nông dân lúc rớt giá. Việc dự báo sai đã dẫn đến việc thừa tôm giống rất nhiều, từ đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp tôm giống đã chọn cách thả tôm ra môi trường tự nhiên do không tiêu thụ được hoặc bán trả chậm hay liên kết với người nông dân để giúp họ giảm giá thành sản xuất.
>> Một nghịch lý là tôm giá hạ, trong nước khó tiêu thụ nhưng tôm vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam. Một nguồn tin cho biết: Từ đầu năm đến nay, các công ty chế biến thủy sản trong tỉnh Cà Mau đã nhập hơn 2.900 tấn tôm nguyên liệu từ nước ngoài để yên tâm chờ giá. |
Bình luận gần đây