Chinh phục thị trường tôm Trung Quốc
Khách hàng và kênh tiêu thụ đa dạng
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến của Kantar 2020 nhằm đánh giá hành vi mua của 1.800 người tiêu dùng tại 6 thành phố lớn thuộc Trung Quốc gồm: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Vũ Hán, Thành Đô. Các tiêu chí lựa chọn đối tượng khảo sát gồm: người tiêu dùng nam và nữ trong độ tuổi 22 – 50; là cư dân sinh sống ở địa phương từ 2 năm trở lên và đã từng mua tôm trong vòng 3 tháng trước khi tham gia khảo sát. Suốt cuộc khảo sát kéo dài 20 phút trên mạng, những người tham gia đều trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến tiêu chí mua tôm, tần suất và hành vi mua, am hiểu của họ về chất lượng tôm và những điều có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.
Kết quả khảo sát cho thấy tôm là một thực phẩm quan trọng trong các bữa ăn của các gia đình Trung Quốc. Tỷ lệ người mua tôm trong vòng 3 tháng trước khảo sát chiếm 89%; tần suất mua trung bình 2 – 3 lần/tháng. Chỉ 3% người tiêu dùng đã mua tôm 1 lần/tháng hoặc ít hơn.
Tỷ lệ mua tôm tại các thành phố đạt 90%, trong đó tần suất mua của người dân ở TP Hàng Châu và Thượng Hải thường xuyên nhất, lần lượt là 1,7 và 1,6 lần/tuần so với 1,5 lần ở các thành phố khác. Tiêu thụ tôm khá phổ biến ở các thành phố lớn trên cả nước, trong đó vùng ven biển phía đông có tần suất mua tôm cao nhất.
Các kết quả cho thấy, tỷ lệ mua tôm trong 3 tháng trước khảo sát khác nhau ở các nhóm khách hàng khác nhau, độ chênh lệch dao động 83 – 93%. Cụ thể, nữ giới và người tiêu dùng trẻ ở độ tuổi 22 – 35 tuổi mua tôm thường xuyên hơn (1,6 – 1,7 lần/tuần). Nam giới và người trên 35 tuổi mua tôm ít hơn (1,5 lần/tuần hoặc ít hơn). Điều này phản ảnh xu hướng nữ giới trẻ tuổi đang chủ động áp dụng và tìm kiếm các khẩu phần ăn khỏe mạnh hơn với thành phần béo thấp, protein cao.
Các kênh bán hàng ở Trung Quốc ngày càng đa dạng hơn. Những nơi truyền thống như siêu thị và chợ thực phẩm vẫn là các kênh bán hàng chính với tỷ trọng 55%, nhưng kênh bán hàng mới và thương mại điện tử vẫn đang phát triển và tiếp tục mở rộng. Mua hàng trực tuyến trở nên phổ biến vì dễ giao dịch và vận chuyển thuận tiện. Tốc độ giao hàng cũng mở ra cơ hội mua hàng cho những vùng lục địa. Tuy nhiên, các kênh mua hàng giữa các vùng miền cũng có sự khác biệt. Người tiêu dùng ở các thành phố đông và nam ven biển mua nhiều tôm hơn từ chợ thực phẩm; trong khi dân miền Bắc thích mua ở siêu thị và cửa hàng thực phẩm tươi; còn người dân miền Trung và Tây lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến.
Chất lượng – tiêu chí hàng đầu
Có rất nhiều sản phẩm tôm trên thị trường nên người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, theo khảo sát, người tiêu dùng Trung Quốc thích tôm địa phương như: tôm sú châu Á, tôm rảo và TTCT Trung Quốc hơn tôm nhập khẩu như TTCT Nhật Bản, TTCT Thái Bình Dương và tôm sú. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tôm nhập khẩu không có chỗ đứng trên thị trường. Đại đa số người tiêu dùng ở các thành phố lớn cho rằng tôm sú châu Á hay tôm sú nhập khẩu đều như nhau. Ngoài ra, người tiêu dùng Thượng Hải, Quảng Châu và Bắc Kinh thích tôm nhập khẩu hơn (tôm sú, TTCT Thái Bình Dương và tôm he Nhật Bản).
Theo khảo sát, đại đa số người tiêu dùng thích tôm tươi (sống) nhất, tiếp đến là tôm đông lạnh nguyên con. Nhìn chung, tỷ lệ người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng tôm sống hoặc tôm nguyên con trong bữa ăn ngày càng phổ biến hơn, vì các sản phẩm này phù hợp với cách chế biến của người Trung Quốc. So sánh với các thành phố khác, tôm sống được tiêu thụ nhiều hơn ở phía Nam Quảng Châu, trong khi tôm đông lạnh nguyên con có tỷ lệ tiêu thụ cao hơn ở phía Đông Thượng Hải và phía Bắc Bắc Kinh.
Ngoài ra, tôm tươi và khỏe là yếu tố hàng đầu để người tiêu dùng lựa chọn tôm sống và tươi nguyên con. Còn với tôm đông lạnh, thì sản phẩm phải đảm bảo tiêu chí dễ chế biến. Tuy nhiên, một tiêu chí quan trọng hơn cả là chất lượng. Người tiêu dùng Trung Quốc rất chú ý đến độ tươi sống, màu sắc, kích cỡ tổng thể của tôm tươi, với tôm đông lạnh là màu sắc, loài tôm và với tôm thịt chín là vị và hương. Tôm có sắc tố đậm hơn cả khi sống và chín đều được ưa chuộng hơn bởi người tiêu dùng Trung Quốc quan niệm rằng màu sắc liên quan đến độ tươi và chất lượng tôm. Tôm có sắc tố đậm hơn thường có giá cao hơn so với sản phẩm tôm nhợt nhạt. Nhận thức của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Họ không ngừng lo lắng về chất lượng, an toàn, đặc tính và xuất xứ của thực phẩm mà họ đang ăn hàng ngày.
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về nhập khẩu tôm, trong khi xuất khẩu tiếp tục giảm. Từ khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, phục hồi tốt sau COVID-19, lượng người tiêu dùng chuyển từ khẩu phần carbohydrates sang khẩu phần nhiều protein hơn ngày càng tăng, từ đó thúc đẩy sự mở rộng kênh thương mại thủy sản trực tuyến, gồm cả mặt hàng tôm.
Sự đánh giá đúng đắn hơn về thị hiếu và tiêu chí mua hàng rất quan trọng với các hãng xuất khẩu tôm và sản xuất tôm, cũng như hỗ trợ các ngành công nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất tôm, từ nhà chế biến thức ăn đến chế biến thủy, hải sản. Họ cần đánh giá và kết hợp các thông tin mới về thị hiếu người tiêu dùng và những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm, từ đó kịp thời điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu vào, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng.
>> Theo FAO (2020), tiêu thụ thủy, hải sản hàng năm của Trung Quốc khoảng 41 kg/người, gấp đôi mức trung bình của thế giới. Trung Quốc trở thành yếu tố quan trọng nhất trong thương mại thủy sản toàn cầu, đại diện cho nhà sản xuất, tiêu dùng, nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm hải sản giá trị cao ngày càng tăng.
Bình luận gần đây