Chiến lược phát triển ngành tôm Ấn Độ
Cơ hội
Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) gỡ bỏ thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ trong đợt rà soát hành chính cuối cùng của năm, Chính phủ nước này đã nhanh chóng lên kế hoạch mở rộng nghề nuôi tôm để phục vụ xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu đều ra, Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu thủy hải sản (MPEDA) tuyên bố sẽ hỗ trợ ngành tôm nuôi trên mọi phương diện. Hơn 10.000 hộ nuôi đã được tham gia các hiệp hội nuôi trồng thủy sản; đồng thời được hướng dẫn cách áp dụng “Thực hành quản lý tốt nhất”. Các hiệp hội nuôi trồng thủy sản cũng trợ giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, con giống, thức ăn chăn nuôi chất lượng cao và một số nguyên liệu đầu vào khác cũng như cách thức để giảm thiểu gánh nặng bệnh dịch và cải thiện chất lượng sản phẩm đầu ra.
Các tổ chức xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ cũng đặt trị giá kim ngạch xuất khẩu mục tiêu là 10 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi năm 2015 – 2016 là 4,68 tỷ USD; trong đó tôm sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất với kim ngạch đạt 3,09 tỷ USD.
Ảnh: FAO
Chìa khóa “tôm giống”
Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, Chính phủ Ấn Độ lên kế hoạch kích cầu mặt hàng tôm tại thị trường Mỹ và Đông Nam Á thông qua việc thiết lập hàng loạt trung tâm tôm giống bố mẹ tại Ấn Độ để tăng cường sản xuất. Trước kia, Thái Lan thống trị thị trường tôm tại Mỹ nhưng từ khi dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) bùng nổ, ngành tôm Thái Lan lao dốc, nhưng lại mở ra cơ hội cho tôm Ấn Độ có cơ hội đột phá và chiếm lĩnh thị trường. Do đó, kế hoạch xây dựng mạng lưới các trung tâm giống tôm bố mẹ hạt nhân tại Ấn Độ và một trung tâm tôm giống tại Hawaii, Mỹ đã được Chính phủ ấp ủ từ lâu và sẽ được hiện thực hóa trong thời gian 1 hoặc 2 năm tới.
Ngoài tôm sú, tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương cũng là đối tượng tôm khai thác và nuôi thương phẩm rất phổ biến tại Ấn Độ. Từ năm 1996, Trung tâm tôm thẻ bố mẹ hạt nhân tại bang Andhra Pradesh đã sản xuất và cung cấp tôm giống cho các trại trên khắp cả nước.
Chú trọng vùng nuôi trọng điểm
Nhắc dến vùng nuôi tôm trọng điểm tại Ấn Độ, không thể bỏ qua bang Andhra Pradesh. Cùng với cả nước thúc đẩy ngành tôm nuôi, chính quyền bang này đã gấp rút thực hiện chính sách nghề cá mới nhằm hỗ trợ tối đa người nông dân tham gia sản xuất. Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, bang Andhra Pradesh cần ưu tiên phát triển hệ thống kho lạnh. Tiếp đến là từng bước kiểm soát được dịch bệnh, nguồn cung con giống và thức ăn, điều chỉnh giá bán thức ăn hợp lý để phục vụ các trại giống tại tỉnh Nellore và Visakhapatnam.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp, toàn bộ thuế đất phi nông nghiệp sẽ được miễn cho các vùng nuôi tôm tại Andhra Pradesh, đồng thời nhà nước sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh và đào tạo. Chính quyền bang cũng hỗ trợ cải thiện nghề nuôi tôm nước ngọt, nghề nuôi lồng trong ao, cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng chăn nuôi bền vững và phát triển các trung tâm sản xuất giống thủy sản nước ngọt, trại giống chất lượng cao.
>> Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Ấn Độ, chiếm hơn 50% tổng khối lượng tôm xuất khẩu, tiếp đến là Đông Nam Á (16,1%), EU (15,82%) và Nhật Bản (4,94%). Trong đó, thị trường Đông Nam Á chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến và tái xuất sang Mỹ. |
Bình luận gần đây