Chế biến nông, lâm, thủy sản: Nhanh chóng đổi mới để nâng tầm

Chính phủ có quan điểm: “…Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ, nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi. Đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng chế biến sâu; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp…”. Đồng thời, Chính phủ cũng định hướng nhiệm vụ chế biến nông, lâm, thủy sản là:“…Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến. Thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị”.

 

Nhiều thành tựu đáng ghi nhận

10 năm qua, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phát triển với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 8 – 10%. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống cơ sở công nghiệp chế biến nông sản với gần 7.600 doanh nghiệp gắn với xuất khẩu, có năng lực chế biến, bảo quản trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm. Riêng trong giai đoạn 2017 – 2021 rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Ảnh: Gia Bảo

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đã có 76 dự án về chế biến nông sản với số vốn đăng ký 71.000 tỷ đồng. Hiện đại nhất là các dự án chế biến nông sản đã đi vào hoạt động của các Tập đoàn: TH tại Nghệ An và Sơn La; MASAN tại Hà Nam và Long An; DOVECO tại Gia Lai và Sơn La; NAFOOD tại Long An và Sơn La; DABACO tại Bắc Ninh; TANIFOOD Tây Ninh; Công ty Tín Nghĩa tại Đồng Nai; một số nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL; các cơ sở chế biến gỗ ở Nghệ An và Hà Tĩnh …

Đến nay, sản phẩm nông sản được chế biến sâu của Việt Nam đạt trên 35% với chủng loại phong phú, đảm bảo chất lượng và ATTP; góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản hàng năm từ 5 – 10%/năm, riêng năm 2021 đã đạt mức kỷ lục là 48,6 tỷ USD; thu hút khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp. Ngoài ra, nước ta còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản nhỏ, HTX, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản phục vụ tiêu dùng nội địa. Chế biến nông, lâm, thủy sản đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa và hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Từ những kết quả nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng lĩnh vực chế biến là khâu hết sức quan trọng, đóng vai trò chính, là bệ đỡ, động lực để dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp được vận hành thông suốt, hiệu quả và ngày càng phát triển. Vai trò chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ ngày càng trở thành yếu tố quyết định cho việc nâng cao GTGT nông sản và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.

 

Những hạn chế cần vượt qua

Thể hiện ở những điểm sau: (1) Đóng góp của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản để làm tăng giá trị gia tăng của nông sản hàng hoá còn nhiều hạn chế, tác động đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa mạnh; (2) Chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến chưa cao nên giá bán còn thấp, vẫn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; (3) Trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản nhìn chung chỉ đạt ở mức trung bình và trung bình tiên tiến ; sản phẩm chế biến sâu có GTGT cao tỷ lệ còn thấp (10 – 50% tùy ngành hàng), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú, tổn thất sau thu hoạch còn cao (khoảng 10 – 20% theo ngành hàng); (4) Tổ chức liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ (theo kết quả điều tra đánh giá trình độ công nghệ năm 2021 của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản)…

Ngoài ra, có năm hạn chế đã bộc lộ, khi chúng ta ứng phó với khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra trong thời gian qua. Thứ nhất: Ngành Chế biến nông, lâm, thủy sản phần lớn vẫn là ngành thâm dụng lao động giá rẻ, năng suất còn thấp (Theo Bộ KHĐT, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 đạt 110,5 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines và 68,9% của Brunei). Thứ hai: Không ít nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản ở một số ngành hàng của ta, sử dụng đến hàng nghìn lao động phổ thông với công việc giản đơn, nên khi thiếu hụt lao động thì gần như doanh nghiệp không tổ chức được sản xuất. Thứ ba: Hệ thống logistics yếu, kho tàng bảo quản còn thiếu thốn, nhất là kho lạnh, nên khi nông sản bị dồn ứ do dịch bệnh hoặc mùa vụ chính không đủ kho để bảo quản. Thứ tư: Năng lực chế biến của các doanh nghiệp còn thấp, nên việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản bị dồn ứ do đứt gãy cung cầu là không đáng kể. Thứ năm: Công nghệ bảo quản nông, lâm, thủy sản còn lạc hậu (nhất là rau quả), mà phần lớn chỉ đủ thời gian để tiêu thụ ở thị trường gần Trung Quốc (khoảng 70%)…

 

Thách thức và lời giải trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Để nâng lên một tầm cao mới, đối với lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, chúng ta phải nỗ lực tối đa: Muốn vậy, ta cần tích cực thực hiện 7 giải pháp cần thiết sau:

1 – Nâng cao năng suất lao động, giảm sử dụng lao động phổ thông đối với một số ngành hàng còn sử dụng nhiều lao động như trong chế biến thủy sản, rau quả, sản xuất đồ gỗ gia dụng…trong bối cảnh lực lượng lao động nước ta ngày càng khan hiếm, chi phí trả cho người lao động ngày một tăng, chi phí tài chính mua sắm máy móc, thiết bị còn cao.

2 – Đầu tư nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ mức trung bình hiện nay lên trình độ tiên tiến, từ thủ công lên cơ giới, từ cơ giới lên tự động hóa, số hóa và công nghệ đa dụng, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng hiệu quả năng lượng và nguyên vật liệu, công nghệ sạch, thân thiện môi trường… trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực rất hạn chế (về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập…).

3 – Chú trọng nâng tỷ lệ sản phẩm nông, lâm, thủy sản chế biến sâu có GTGT cao. Trong khi chế biến ra sản phẩm có GTGT cao, thường phải tăng chi phí sản xuất nguyên liệu và chế biến, phải đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khắc phục tình trạng luân chuyển dòng vốn chậm, hạn sử dụng sản phẩm ngắn…

4 – Đổi mới tổ chức sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến, thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi lạc hậu, để có được nguyên liệu với giá thành vừa phải, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng về số lượng, chất lượng cũng như ATTP, trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam quy mô còn nhỏ, đất đai manh mún, có tính mùa vụ cao, chất lượng không đều, vẫn còn tiềm ẩn mất ATTP, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, vẫn đe dọa sản xuất nông nghiệp.

5 – Trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, nông sản Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số thị trường (Trung Quốc, Mỹ, EU), các thị trường này ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, đặc biệt là vấn đề ATTP và truy xuất nguồn gốc. Các chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu như thuế và các rào cản phi thuế quan, gây khó khăn cho xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam, trong khi đó ngày càng nhiều các sản phẩm nông sản của nước ngoài nhập khẩu vào nước ta với mẫu mã, chất lượng vượt trội, đang cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông sản chế biến trong nước.

6 – Làm cách nào để các doanh nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá” hay “giải cứu nông sản” khi bị đứt gãy, mất cân đối cung – cầu thường xảy ra? Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta vẫn còn thiếu những dự báo chính xác về thị trường tiêu thụ, cũng như việc liên kết giữa sản xuất – tiêu thụ thiếu chặt chẽ và hệ thống dịch vụ logistics còn thiếu và yếu kém.

7 – Phải làm sao để các Hiệp hội ngành hàng nông sản tập hợp được doanh nghiệp biết đoàn kết, thống nhất, bảo ban nhau trong sản xuất – kinh doanh, tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh (hạ chất lượng, hạ giá bán sản phẩm để tranh giành khách hàng, tranh giành nguyên liệu…). Từ đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, trong môi trường cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường….

Nhà nước ta gần đây đã đưa ra nhiều hoạch định chính sách phát triển chung, rõ ràng cho từng lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản thể hiện trong các Chiến lược phát triển và các Đề án cho từng ngành hàng chế biến nông, lâm, thủy sản như: Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021); Phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1408/QĐ-TTg  ngày 16/8/2021); Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022).

Chính phủ cũng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (không đề cập trong bài viết này). Tuy vậy, qua thực tiễn cho thấy các chính sách vẫn chưa đủ mạnh, chưa trúng, hoặc triển khai còn chậm, đối với những đòi hỏi thiết thực của doanh nghiệp, hoặc nguồn lực tại các địa phương còn hạn chế để thực hiện chính sách.

Chiến lược và Đề án phát triển chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản từ nay đến năm 2030 nói trên của Nhà nước đã ban hành, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cần triển khai thực hiện sớm như sau:

Một là, cần đẩy nhanh sửa đổi Luật đất đai theo hướng mở rộng hạn điền, có cơ chế thông thoáng trong việc việc trao đổi, mua bán, cho thuê, thế chấp, tích tụ đất nông nghiệp… để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất lớn, ổn định nguyên liệu cho chế biến (đây là điều kiện trước tiên để doanh nghiệp có thể tính đến việc đầu tư nhà máy chế biến lớn hiện đại). Nâng mức hỗ trợ cao hơn nữa so với hiện hành, cho việc đầu tư mua sắm máy và thiết bị chế biến, kho lạnh bảo quản, đổi mới công nghệ tiên tiến, chú trọng liên kết sản xuất. Ưu tiên nguồn vốn, lãi suất thấp so với mặt bằng chung, khi vay đầu tư vào chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Có chính sách thuế (thu nhập doanh nghiệp, VAT) hấp dẫn nhà đầu tư.

Hai là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào 4 mảng ưu tiên: (1) Đầu tư cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. (2) Đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản quy mô nhỏ, HTX tại vùng sản xuất nguyên liệu có sản lượng thấp, đặc sản vùng miền nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch. (3) Đầu tư các cơ sở chế biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến, bảo quản. (4) Đầu tư trung tâm kết nối và dịch vụ logistics nông sản.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý ngành thông suốt, hiệu quả, nhất là việc định hướng đầu tư phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp.

                                                                                   Ngô Quang Tú

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *