Châu Á thích ứng với đại dịch
Gia tăng cạnh tranh
Hầu hết các quốc gia ven biển phía Nam và Đông Nam Á đều là những nước xuất khẩu thủy sản và cùng cạnh tranh những thị trường quan trọng gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Hơn một năm rưỡi sau khi xuất hiện, đại dịch COVID -19 vẫn tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này. Ví dụ, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm trọng khi dịch bệnh tăng đột biến. Theo Alex K Ninan, Giám đốc Baby Marine International, điều này đã cản trở cả sản xuất và xuất khẩu. Ninan cho biết: “Năng lực sản xuất của nông dân và ngư dân đều bị ảnh hưởng, khiến tổng sản lượng cả khai thác và NTTS giảm gần 20%”. Ngoài ra, sự bất ổn do đại dịch gây ra tại một số thị trường xuất khẩu cộng với phí vận chuyển tăng cao cũng khiến nhiều hàng tồn kho bị ùn ứ. Theo Ninan, phí vận chuyển tăng từ 3.000 USD lên 11.000 USD/container đến Bắc Mỹ, khiến xuất khẩu không khả thi.
Tập đoàn Asian Sea của Thái Lan, một hãng xuất khẩu cá đục đông lạnh, mực ống và tôm tẩm bột chiên giòn cho thị trường dịch vụ thực phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn tại hai thị trường chính gồm EU và Mỹ. Giám đốc Tài chính, ông Akamon Prasoppolsujarit cho rằng, làn sóng phong tỏa đầu tiên vào năm ngoái đã ảnh hưởng đến doanh số các sản phẩm thủy sản đông lạnh của Công ty do kênh tiêu thụ chính của mặt hàng này là các chuỗi dịch vụ ẩm thực gồm nhà hàng, khách sạn và dịch vụ ăn uống ở thị trường nước ngoài. Ông hy vọng sự phục hồi sẽ diễn ra vào cuối năm nay khi các nền kinh tế trong EU mở cửa trở lại.
Các nhà xuất khẩu thủy sản đang tập trung vào nhiều nhóm giải pháp để có thể đẩy mạnh hoạt động giao thương trong tình hình dịch COVID-19. Ảnh: ST
Tajbirul Islam, một hãng cung cấp tôm đông lạnh tại Bangladesh cho biết, xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp này không bị gián đoạn nhưng vẫn phải đối mặt cạnh tranh từ Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Kazi Belayet Hossain, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu thực phẩm đông lạnh Bangladesh cho biết, tác động của đại dịch đến doanh nghiệp không nghiêm trọng như dự báo trước đó. Theo cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu Bangladesh, xuất khẩu cá sống và đông lạnh từ tháng 7/2020 – 4/2021 đã giảm 4% so cùng kỳ trước đó. Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu cá đông lạnh tăng 46% so năm ngoái, bù đắp cho khoản lỗ do xuất khẩu cá, tôm và cua sống bị sụt giảm.
Tìm kiếm thị trường thay thế
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại châu Á đang nhắm đến Nhật Bản như một thị trường thay thế tiềm năng. “Đại dịch đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của chúng tôi tại Mỹ. Để giải quyết gián đoạn về logistic, chúng tôi chuyển trọng tâm sang Nhật Bản”, theo Su Keng Yi, Giám đốc Tiếp thị Toàn cầu của Shenglong Biotech International, công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Haid, Trung Quốc chuyên xuất khẩu fillet cá rô phi sang Nhật Bản. “Điều này đã giúp chúng tôi duy trì hoạt động chế biến và xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy quá trình tìm kiếm và khai phá các thị trường mới”, Yi chia sẻ.
Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản vẫn khá ảm đạm đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan. Akamon Prasoppolsujarit cho biết: “Khi các nhà hàng ở Nhật Bản đóng cửa, doanh số thủy sản của chúng tôi giảm suốt 2 quý đầu năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ có thể phục hồi vào nửa cuối năm nay”.
Heru Cahyono, Chủ sở hữu của Eka Seafood Indonesia, một hãng chế biến và phân phối thủy sản cho rằng, đại dịch bủa vây hầu hết các thị trường. Mặc dù Công ty đã xây dựng được hệ thống khách hàng xuất khẩu lâu dài nhưng vẫn phải chuẩn bị phương án ứng phó là củng cố thị trường nội địa ở Indonesia để thay thế thị trường xuất khẩu lúc cần thiết. TD Packir, Giám đốc Công ty chế biến thủy sản Roja của Bangladesh cho biết, các thị trường xuất khẩu đã chững lại, khiến doanh nghiệp này phải chuyển hướng sang thị trường nội địa. Các dòng sản phẩm ăn liền của Công ty đạt doanh số tốt suốt thời gian phong tỏa vì người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ giao hàng tận nhà. Thay vì phụ thuộc vào thị trường dịch vụ ẩm thực, một số doanh nghiệp thủy sản đã chuyển hướng bán hàng sang các siêu thị và bệnh viện, những nơi duy trì được nhu cầu tiêu thụ mạnh.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Điển hình, hãng Asian Sea chuyển hướng tập trung vào các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng như tôm chiên và tẩm bột cho thị trường sản phẩm ăn liền. Công ty này cũng vận hành một doanh nghiệp sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho khách hàng và bán sản phẩm cho hãng bán lẻ của Mỹ. Akamon nói: “Mỹ là một thị trường lớn đối với các sản phẩm tiện lợi. Tôm chiên và tẩm bột là phân khúc tăng trưởng rất nhanh. Nhu cầu tiêu thụ các dòng sản phẩm này đã tăng cao từ khi COVID-19 xuất hiện”. Asean Sea đã lắp đặt thêm hai dây chuyền chế biến các sản phẩm tiện lợi, nâng tổng công suất chế biến của cả 6 dây chuyền lên 10.200 tấn/năm. “Dòng tôm thịt chín đông lạnh đối mặt cạnh tranh gay gắt, nên mang lại lợi nhuận nhỏ. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng các thị trường thay thế vẫn đang duy trì nhu cầu tiêu thụ tương đối tốt với các sản phẩm tôm giá trị gia tăng. Khi công suất được nâng cao, thì chi phí sẽ giảm, từ đó tăng lợi nhuận”, Akamon nói thêm.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang mở rộng năng lực chế biến các mặt hàng thủy sản hữu cơ, có thể truy xuất nguồn gốc để đảm bảo thị phần và tránh cạnh tranh. Shenglong Biotech cho biết, tất cả các sản phẩm fillet cá rô phi xuất khẩu sang Nhật Bản đều mang thông tin truy xuất nguồn gốc và được sản xuất trong chuỗi giá trị tích hợp của Công ty. Doanh nghiệp này đã phát triển một chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, nuôi thương phẩm và chế biến.
Eka Seafood của Indonesia cũng cho rằng truy xuất nguồn gốc và bền vững đang trở thành những vấn đề quan tâm hàng đầu của các nguồn hải sản. Cùng quan điểm, nhiều hãng thủy sản châu Á đều nhận định: “Bên cạnh gia tăng giá trị bằng các quá trình chế biến và đóng gói tốt hơn theo tiêu chuẩn HACCP, điều quan trọng là mang lại cho khách hàng sự đảm bảo về khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ mới”.
Tuấn Minh
Tổng hợp
Bình luận gần đây