Cảnh báo ô nhiễm trong xuất khẩu thủy sản

Cái giá của “huân chương”

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói: “Năm 2014 là năm được mùa, được giá của ngành tôm. Ước tính sản lượng tôm tăng lên 100.000 tấn, tương đương với việc tăng 2 triệu tấn lương thực. Điều này cho thấy sự đóng góp của ngành tôm là rất lớn”. Tuy vậy, thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó, do tăng trưởng nhanh nên việc kiểm soát ô nhiễm cần được quan tâm nhiều hơn nữa do việc lạm dụng kháng sinh, sử dụng chất cấm đang ở mức đáng lo ngại”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám kể rằng ông được một số cơ sở nuôi tôm cho biết họ được chào mời những hóa chất không rõ nguồn gốc, thậm chí không nhãn mác. Người bán cũng không phải là các đại lý quen thuộc mà là một mạng lưới mới. Những người bán hàng nói thẳng là: “Thuốc này rẻ, tuy không nhãn mác, nhưng nếu cơ quan chức năng có phạt thì bên bán sẽ nộp phạt chứ không phải bà con”.

Hiện việc quản lý kiểm soát đang tập trung nhiều vào các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hóa chất, kháng sinh, các cơ sở thức ăn, giống, còn việc kiểm soát việc buôn bán tiêu thụ sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường, không rõ công ty, không rõ xuất xứ thì rất hạn chế. Các báo cáo thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy các số liệu chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các đầu mối, nơi mà việc tuân thủ các quy trình tiêu chuẩn tương đối tốt. Rất ít số liệu thống kê phân tích về việc tiêu thụ, vi phạm chất lượng đối với những thành phần “không rõ công ty”, “không rõ nguồn gốc”, có thể coi là một “thị trường chợ đen”.

 

Bị cảnh báo tăng đột biến

Năm 2014 được xem làm một năm mà số vụ cảnh báo về các lô hàng vi phạm về dư lượng kháng sinh quá mức cho phép và thành phần hóa chất cấm tăng đáng lo ngại.

Số lô hàng nhiễm hóa chất, kháng sinh Chloramphenicol bị cảnh báo tại EU năm 2014 là 1 vụ (năm 2013 không xảy ra vụ nào). Đối với hóa chất Doxycyline, nếu năm 2013 không lô tôm nào nhiễm thì năm 2014 có 4 lô bị cảnh báo. Với Oxytetracyline cũng vậy, nếu năm 2013 chỉ bị EU cảnh báo 2 lô thì năm 2014 bị cảnh báo 19 lô hàng.

Một số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo nhiễm kháng sinh – Ảnh: An Đăng

Ngày 10/12/2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng – Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư nêu rõ số lượng các lô hàng bị cảnh báo và các cơ sở liên quan, đề nghị điều tra nguyên nhân và các biện pháp áp dụng. Họ cho biết, sau ngày 9/1/2015, nếu phía Việt Nam không trả lời thì các cơ quan thẩm quyền của EU sẽ có nhiều biện pháp, thậm chí bao gồm việc cấm nhập khẩu đối với các cơ sở bị cảnh báo.

 

Các doanh nghiệp cần ưu tiên chất lượng

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thì một trong những vấn đề cần xem xét kỹ đó là khi Thông tư 48 đưa ra một số quy định ưu tiên cho xuất khẩu thủy sản (không kiểm tra lô hàng xuất khẩu) thì một số doanh nghiệp đã “lỏng tay” hơn trong việc tự kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình. Thậm chí, Cục cũng lo ngại một số doanh nghiệp đã trà trộn những kiện hàng chưa được kiểm định hoặc không đạt yêu cầu trong kiểm định vào lô hàng đã có kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

NAFIQAD đã có nhiều văn bản gửi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hiệp hội Vasep thông báo tình hình cảnh báo và các biện pháp mà các thị trường có thể áp dụng với hàng hóa thủy sản Việt Nam trong năm 2015. Cục cũng đề nghị Cục Thú y hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng hóa chất đúng quy trình.

Tuy vậy, NAFIQAD cũng cho rằng việc Thông tư 48 không có chế tài răn đe xử lý (chẳng hạn như đình chỉ sản xuất, không cho nhập khẩu vào các thị trường đã cảnh báo trong thời gian nhất định…) khiến “nhiều doanh nghiệp chây ì, không nghiêm túc trong việc báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục cũng như kiểm soát nghiêm ngặt mối nguy hóa chất kháng sinh trong các lô hàng thủy sản”.

 

Minh bạch hóa thông tin

Thực chất việc một số lô hàng bị cảnh báo không phản ảnh thực tế chung là các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, vì việc vi phạm sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Nhưng, với việc thị trường “cầu lớn hơn cung”, sản lượng tôm tăng 100.000 tấn so với năm ngoái, để đáp ứng các hợp đồng, chiều lòng đối tác, một số doanh nghiệp đã chạy theo số lượng mà đã xem nhẹ việc kiểm soát chất lượng. 

NAFIQAD thì cho rằng cần ban hành một số biện pháp cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh, ban hành các danh mục chỉ tiêu kiểm định kiểm tra bắt buộc, theo đó đưa Nitrofurazone vào danh mục bắt buộc kiểm tra. NAFIQAD cũng đề nghị VASEP “kiên quyết không xuất khẩu những lô hàng chưa được kiểm soát”.

Việc để doanh nghiệp tự chủ trong kiểm tra kiểm soát, giám định sản phẩm của mình trong xuất khẩu là xu hướng chung, hiện đại, theo kịp với xu thế chung của thế giới, giảm bớt các khâu quản lý nặng về hình thức cũng như cơ chế “xin cho”. Tuy nhiên, việc thả nổi chất lượng lại đi ngược với xu thế thị trường. Hầu hết các nước phát triển đều để các doanh nghiệp tự chủ trong kiểm định chất lượng, nhưng lại thực hiện xử phạt rất nghiêm, rất nặng đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm để thu lợi nhuận riêng mà làm tổn hại đến thương hiệu chung của ngành. Đây là điểm mà các nhà quản lý đều cho rằng chúng ta quá “nương tay” với các doanh nghiệp, cơ sở thiếu uy tín, thiếu trách nhiệm với khác hàng cũng như với cộng đồng.

>> Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: “Năm 2015 cần tập trung quyết liệt kiểm soát đầu vào sản xuất tiêu thụ thủy sản. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu cần được làm quyết liệt suốt năm 2015 chứ không thực hiện theo từng đợt, chỉ có như vậy thì tình hình mới được giải quyết tận gốc”.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *